Kinhtedothi - Sau TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, Bộ KH&ĐT tiếp tục tổ chức Hội nghị hướng dẫn lập Kế hoạch đầu tư công (ĐTC) trung hạn 5 năm 2016 - 2020 cho các tỉnh, thành, đơn vị phía Bắc. Năm 2015 có thể coi là một năm mà tất cả các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc lập kế hoạch ĐTC, chuyển từ lập kế hoạch hàng năm sang lập kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Từ việc xây dựng được một kế hoạch trung hạn tốt sẽ tạo điều kiện quản lý hiệu quả hơn chất lượng đầu tư từ nguồn vốn này.
Không có kế hoạch coi như không có nhu cầu vốn
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã đưa ra hạn chót đối với những đơn vị chưa hoàn thành việc gửi dự thảo Kế hoạch ĐTC trung hạn lần thứ nhất. Theo đó, đến ngày 28/2/2015, nếu bộ, ngành, địa phương nào chưa nộp dự thảo này về Bộ KH&ĐT để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, thì đơn vị đó coi như không có nhu cầu vốn ĐTC cho 5 năm tới. Theo báo cáo mới nhất của Bộ KH&ĐT, hiện có 43 bộ, ngành, cơ quan T.Ư và 24 địa phương nộp báo cáo. “Chúng ta không thể vì chờ đợi một vài đơn vị mà kéo chậm thời gian của cả nước” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Theo quy định của Luật ĐTC, Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của các bộ, ngành và địa phương được xây dựng theo quy trình thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến phê duyệt, gửi Bộ KH&ĐT theo 3 lần dự thảo dự kiến kết thúc trước ngày 20/11/2015, là giai đoạn phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn, để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giao kế hoạch.
Trước lo ngại của một số bộ, ngành và địa phương đối với các dự án khởi công mới, từ nay đến thời điểm giao kế hoạch còn rất ngắn, sẽ không kịp thẩm định chủ trương đầu tư cho tất cả các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, theo quy định, tất cả các dự án dự kiến trong kế hoạch ĐTC trung hạn phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Trường hợp không thể hoàn tất các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư cho tất cả các dự án, đề nghị bố trí vốn chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án này. Khi các dự án hoàn chỉnh đủ các thủ tục, có thể sẽ bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn vào thời điểm điều chỉnh kế hoạch hoặc bổ sung vào kế hoạch từ nguồn dự phòng.
Ngăn chặn nghịch lý “vốn chạy theo dự án”
Ngoài siết chặt về thời gian, Bộ KH&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị đã nộp Dự thảo tính toán lại dự kiến tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 5 năm tới theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí quy định theo Luật ĐTC và Chỉ thị số 23/2014/CT-TTg, trong đó đặc biệt lưu ý các bộ, ngành dựa trên tổng số vốn đầu tư mình có để phân bổ, tránh tình trạng như từ trước đến nay “vốn chạy theo công trình”. Nghĩa là bộ, ngành, địa phương cứ đưa danh sách lên mà không biết có vốn hay không.
Nguyên tắc xác định số vốn đầu tư trung hạn 5 năm tới mỗi năm tăng 10% so với năm trước, tổng cộng lại 5 năm 2016 - 2020, dự kiến sơ bộ vốn ngân sách T.Ư bằng khoảng 6,7 lần kế hoạch năm 2015 (đã loại trừ những khoản vốn tăng không thường xuyên và các khoản bất thường). Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp lần một từ các báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương gửi Bộ KH&ĐT cho thấy, vẫn có không ít đơn vị đưa nhu cầu vốn tăng lên gấp 20 - 30 lần so với khả năng cân đối của ngân sách dành cho đơn vị mình. Đó là điều cần được khắc phục ngay trong những lần dự thảo tới.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, trên cơ sở dự kiến khả năng cân đối nguồn vốn ĐTC giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành, địa phương dành lại dự phòng khoảng 15% kế hoạch vốn mỗi loại để xử lý các vấn đề phát sinh, cấp bách trong quá trình triển khai kế hoạch trung hạn. Một nguyên tắc khá quan trọng khi thực hiện Luật ĐTC đó là không cho phép phát sinh nợ đọng sau ngày 1/1/2015. Chính vì thế, cách làm cho DN ứng vốn để làm không được chấp nhận.
Thi công tại dự án đường Vành đai 2 đoạn nút giao Cầu Giấy - Láng. Ảnh: Chiến Công
|