Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt 3 bậc, xếp thứ 77 toàn cầu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018. Xếp hạng năm nay của WEF đưa ra đánh giá 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thang điểm từ 0-100.

 
Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế trong Báo cáo của WEF. Như vậy, so với vị trí 74/135 trong bảng xếp hạng năm ngoái, năm nay Việt Nam bị tụt 3 bậc. Tuy nhiên, điểm số của Việt Nam đạt được năm nay là 58,1 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017.
Công cụ mới của WEF năm nay xếp hạng các nền kinh tế thông qua 98 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin - viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá).
Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 (thay vì 7 như mọi năm), để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.
Trong 12 trụ cột, Trong đó, trụ cột “sức khỏe” của Việt Nam được đánh giá cao nhất với 81 điểm, đứng thứ 68/140; quy mô thị trường đạt 71 điểm, đứng thứ 29/140; ổn định kinh tế vĩ mô đạt 75 điểm, đứng thứ 64/140.
Đứng cuối bảng là “thị trường cho sản phẩm” đứng thứ 102/140; động lực kinh doanh đứng thứ 101/140; kỹ năng đứng thứ 97/140.
Ngoài ra, thể chế của Việt Nam đạt 50 điểm, đứng thứ 94/140; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đứng thứ 95/140; năng lực sáng tạo đạt 33 điểm, đứng thứ 82/140 quốc gia được xếp hạng.
Trên toàn cầu, cũng vì sự thay đổi cách tính năm nay, Thụy Sĩ không còn duy trì được chuỗi 9 năm liên tiếp đứng đầu như trước. Với 85,6 điểm, Mỹ hiện là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Quốc gia này được đánh giá cao nhất tại các tiêu chí Sự năng động trong Kinh doanh, Thị trường Lao động và Hệ thống Tài chính.
Top 10 chủ yếu là các đại diện châu Âu, gồm Đức (3), Thụy Sĩ (4), Hà Lan (6), Anh (8), Thụy Điển (9) và Đan Mạch (10). Còn lại là ba nền kinh tế châu Á - Singapore (2), Nhật Bản (5) và Hong Kong (Trung Quốc, thứ 7). Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhì thế giới đứng thứ 28 năm nay, cao nhất trong nhóm nước mới nổi BRICS.
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan xếp thứ 38, tăng 2 bậc so với năm 2017. Indonesia xếp 45, tăng 2 bậc. Malaysia đứng ở vị trí 25, tăng 1 bậc. Philippines xếp thứ 56, tăng 12 bậc.