Năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng lực hấp thụ vốn, hấp thụ khoa học công nghệ (KHCN) của các DN Việt Nam hiện còn yếu. Có trường hợp DN khi chưa đầu tư công nghệ thì làm ăn tốt, nhưng sau khi huy động vốn vay để đổi mới công nghệ, không những không phát triển được mà còn chịu thêm gánh nặng tài chính.

Kinhtedothi - Năng lực hấp thụ vốn, hấp thụ khoa học công nghệ (KHCN) của các DN Việt Nam hiện còn yếu. Có trường hợp DN khi chưa đầu tư công nghệ thì làm ăn tốt, nhưng sau khi huy động vốn vay để đổi mới công nghệ, không những không phát triển được mà còn chịu thêm gánh nặng tài chính.
Năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu - Ảnh 1
Thực tế này đã được PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN, đơn vị thực hiện “Báo cáo chỉ số kinh doanh năm 2014” công bố hồi tháng 1/2015, chỉ ra trong cuộc trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị. 

Để đổi mới KHCN, các DN rất cần tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ nhưng hiện còn khá nhiều rào cản. Ông có thể nói rõ về những rào cản này?

- Thời gian gần đây, các DN đã mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào KHCN, tuy nhiên do năng lực hấp thụ công nghệ yếu, lại gặp phải 3 rào cản là lãi suất, tài sản thế chấp và quy trình thủ tục phức tạp nên không ít DN còn e ngại. Tôi đã chứng kiến có DN lúc chưa đầu tư KHCN thì hoạt động rất tốt, nhưng sau khi huy động vốn mua mới công nghệ máy móc thì không phát triển được, không phát huy được lợi thế công nghệ, lại chịu thêm gánh nặng vay lãi suất cao.

Có một thống kê cho thấy, tỷ trọng đầu tư cho KHCN của DN Việt Nam chỉ chiếm 0,2 – 0,3% doanh thu, trong khi các DN nước ngoài, ví dụ ở Hàn Quốc chiếm đến 10%. Ông bình luận như thế nào về hiện trạng này?
- Trên thế giới, người ta đã chia ra 3 nhóm quốc gia: Nhóm các nước phát triển dựa trên nguồn lực, nhóm các nước phát triển dựa trên hiệu quả, và nhóm các nước phát triển dựa trên tiến bộ phát triển KHCN. Việt Nam thuộc nhóm các nước phát triển dựa vào nguồn lực, nhóm thấp nhất. Chúng ta nằm ở nhóm các nước có trình độ thấp hơn so với Hàn Quốc, do đó không thể so sánh DN Việt Nam với DN Hàn Quốc.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội.                                               Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Mặt khác, các đánh giá trước đây thường dựa trên thống kê và gộp lại các DN nên đôi khi không phản ánh đúng nội bộ từng DN. Thực tế đã xuất hiện rất nhiều DN nhỏ và vừa thuộc khu vực tư nhân đầu tư vào KHCN và phát triển nhanh, họ âm thầm làm bằng nguồn vốn của mình. Chẳng hạn BKAV đã đầu tư vào lĩnh vực smarthome và điện thoại di động, những sản phẩm của họ định vị ở phân khúc cao trên thị trường. Họ đã cho thấy DN Việt Nam đầu tư vào KHCN không hề nhỏ, nếu tính trung bình thì đúng nhưng tính theo từng DN, từng khu vực thì đã có những dấu hiệu rất phấn khởi.

Theo ông, cần có những chính sách như thế nào để giúp DN đầu tư mạnh hơn cho KHCN trong thời gian tới?

- Từ góc độ nhà nghiên cứu, chúng tôi đánh giá vấn đề không phải chính sách ấy ổn chưa mà liệu chính sách đó đã phát huy tác dụng được chưa. Nếu chính sách hoạch định tốt rồi mà vẫn không phát huy tác dụng thì Chính phủ vẫn chưa thể yên tâm về việc hoạch định. Mấu chốt là phải đưa ra cách thức để giúp các DN phát triển tốt nhất.

Lấy ví dụ, chính sách đào tạo phát triển DN doanh nhân do Bộ KH&ĐT thực hiện đã triển khai 2 giai đoạn từ 2004 – 2008, 2011 – 2015 với mục tiêu đạt 1 triệu DN, nay hạ xuống là 750.000 DN mà cũng không đạt được mục tiêu, trong khi tiền bỏ vào chương trình này không ít.

Câu hỏi không phải là chúng ta làm đúng chưa mà tại sao chúng ta không đạt được mục tiêu đặt ra. Tôi cho rằng, do các chương trình đào tạo của chúng ta chưa trúng nên DN thờ ơ với chương trình đào tạo, hỗ trợ của Nhà nước.

Chính sách hỗ trợ chưa bám sát nhu cầu thực tế của DN là một phần nguyên nhân, nhưng có lẽ còn có nguyên nhân từ chính DN. Ông có đồng tình với nhận định này?

- Hiện vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các chính sách ban hành để hỗ trợ DN với khả năng hấp thụ của DN. Các chính sách hỗ trợ dành cho DN là khá nhiều nhưng khả năng hấp thụ chính sách hỗ trợ rất yếu. DN trông thấy, biết đấy mà không hấp thụ được... vì không đủ nội lực. Phải tìm cách giúp DN đi đúng đường, nâng cao năng lực đúng hướng.

Chúng tôi đã xây dựng một bộ chỉ số giúp DN tự đánh giá năng lực tài chính của mình, tự biết bản thân mình khỏe ở đâu, yếu chỗ nào để có sự điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi cũng hy vọng bộ chỉ số này sẽ được các ngân hàng cho vay đón nhận để đánh giá các DN một cách công bằng, khách quan hơn. Đây cũng là cơ sở để cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan hỗ trợ đào tạo cho DN nghiên cứu trước khi ban hành chính sách.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần