Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chương trình có trị giá 3,89 triệu USD nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được thực hiện trong 4 năm.

Ngày 31/5, lễ ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Thụy Sĩ và Việt Nam về chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” trong giai đoạn 2013-2016 đã diễn ra tại Hà Nội.

Nâng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
 
Chương trình hỗ trợ kỹ thuật này sẽ nâng cao kỹ năng và năng lực cho các Trung tâm Xúc tiến thương mại và các tổ chức hỗ trợ thương mại tại 3 vùng miền của Việt Nam.

Chương trình này được xây dựng trên cơ sở kết quả bền vững của Dự án VIE 61/94 "Hỗ trợ Xúc tiến thương mại và Phát triển xuất khẩu tại Việt Nam" do Chính phủ Thụy Sỹ và Chính phủ Thụy Điển đồng tài trợ, Cục Xúc tiến thương mại chủ trì và phối hợp với Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) triển khai trong giai đoạn 2004-2010.

Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại 3 vùng miền của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương, trên cơ sở củng cố chuỗi giá trị, chuyển từ chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm có “chi phí nhân công rẻ” sang xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Việt Nam đang thực hiện bước ngoặt để tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung cấp toàn cầu với các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao cả về hàng hóa và dịch vụ, trong đó, cùng với các ngành kinh tế khác, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình.

Thứ trưởng hy vọng những vấn đề do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt ra trong quá trình tăng cường sự tham gia của họ vào phát triển xuất khẩu của đất nước sẽ được giải đáp thông qua chương trình do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ. Chương trình không chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mà còn xem xét những khó khăn mà các doanh nghiệp địa phương đang gặp phải và sự phát triển của họ ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Thụy Sỹ, thông qua SECO, đã hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế Việt Nam từ năm 1993. Trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2013-2016, SECO đã tái khẳng định về một cam kết hỗ trợ lâu dài Việt Nam nhằm đạt được sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Kết quả sẽ được thể hiện thông qua mức sống và chất lượng cuộc sống cao hơn, đóng góp vào chương trình nghị sự về cải cách kinh tế.