Nắng nóng kéo dài, nho xanh Ninh Thuận vẫn đạt sản lượng cao

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước và cải tạo đất theo mô hình hữu cơ, nhiều trang trại nho xanh tại Ninh Thuận đã đạt sản lượng cao trước thời tiết nắng nóng và hạn hán kéo dài.

Chuẩn bị phục vụ khách dịp lễ 30/4

Thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) được ví là thủ phủ nho xanh của tỉnh Ninh Thuận, khi có gần 100ha chuyên trồng nho xanh.

Theo người dân Thành Sơn, tuy nắng nóng và hạn hán kéo dài ảnh hướng đến hoa màu và cây trồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng sản lượng, chất lượng và giá nho xanh vẫn ổn định. Hiện các nhà vườn tại thôn Thành Sơn đang phấn khởi chuẩn bị cắt nho bán và đón khách tham quan trải nghiệm trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5.  

Ông Lê Văn Bình cho biết, giá nho xanh cắt tại vườn dao động từ hơn 35.000 đồng/kg. Ảnh: Trung Nhân 
Ông Lê Văn Bình cho biết, giá nho xanh cắt tại vườn dao động từ hơn 35.000 đồng/kg. Ảnh: Trung Nhân 

Ông Lê Văn Bình, Trưởng Ban quản lý thôn Thành Sơn cho biết, năm nay nắng nóng kéo dài và không có gió bấc như những năm trước nên cây nho cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Một số vườn canh tác không tốt sẽ có tình trạng trái mềm, việc này phụ thuộc nhiều vào nhà vườn như để trái dày (trái nhiều - PV), kỹ thuật chăm sóc chưa đúng…

“Giá nho xanh cắt tại vườn đang dao động từ hơn 35.000 đồng/kg tùy vào chất lượng. Đối với những trái nho mềm do ảnh hưởng nắng nóng sẽ có giá từ 12.000 – 20.000 đồng/kg. Nếu vườn nào canh tác không tốt, trước tình hình nắng nóng sẽ có khoảng 10-20% trái mềm trên tổng sản lượng” – ông Bình cho biết.

Ông Phạm Dũng – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước tình trạng nắng nóng và hạn hán, Chi cục thường xuyên khảo sắt nắm bắt tình hình các nhà vườn, ban hành các văn bản nhằm tăng cường các giải pháp chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng ứng phó với tình hình nắng nóng và hạn hán trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Dũng cho biết, để tránh cây nho bị stress khi thời tiết nắng nóng kéo dài, các nhà vườn cần bổ sung thêm kali, canxi bo… để cây đủ dưỡng chất. Ảnh: Trung Nhân
Ông Phạm Dũng cho biết, để tránh cây nho bị stress khi thời tiết nắng nóng kéo dài, các nhà vườn cần bổ sung thêm kali, canxi bo… để cây đủ dưỡng chất. Ảnh: Trung Nhân

Theo ông Dũng, tình trạng nắng nóng khiến trái nho mềm có xuất hiện tại một số vườn nho. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân để mật độ trái dày, thông thường một sào (1.000m2) các chủ vườn phải tính toán để sản lượng đạt khoảng 1,5 - 2 tấn/sào. Tuy nhiên, một số vườn vẫn để sản lượng lên 2,2-2,3 tấn và để trái sinh trưởng ở các cành non nên khi nắng nóng có hiện tượng mềm trái nhưng không đáng kể.

Ông Dũng khuyến cáo, để tránh cây nho bị stress khi thời tiết nắng nóng kéo dài các nhà vườn cần bổ sung thêm kali, canxi bo… để cây đủ dưỡng chất.

Chuyển đổi canh tác giúp cây khỏe

Cũng theo ông Phạm Dũng, đối với các giống nho ngành nông nghiệp khuyến cáo trồng, như nho đỏ Red Cardinal, nho xanh NH01-48, nho hồng NH01-152, nho ngón tay đen… đều đã có thời gian dài khảo kiểm nghiệm và đã được Bộ NNPT&NT công nhận giống.

Vườn nho hữu cơ của trang trại nho Hai Tường vẫn đạt sản lượng và chất lượng cao bất chấp nắng nóng, hạn hán. (Ảnh: Trung Nhân)
Vườn nho hữu cơ của trang trại nho Hai Tường vẫn đạt sản lượng và chất lượng cao bất chấp nắng nóng, hạn hán. (Ảnh: Trung Nhân)

Hiện diện tích trồng nho xanh đang có khoảng 350ha, chủ yếu cắt 2 vụ đông xuân và hè thu. Ngoài ra, Ninh Thuận có trên 70ha/990ha nho được cấp mã số vùng trồng nội địa và đang mở rộng cấp mã số vùng trồng cho các trang trại, vườn nho đạt chuẩn. Đồng thời, địa phương hướng đến các mã số vùng trồng xuất khẩu để nâng cao giá trị cây nho tỉnh Ninh Thuận.

“Qua khảo sát, mới đây có nhà vườn bán 3 sào nho tổng thu được 280 triệu đồng, một số vườn để sản lượng (trái) quá nhiều nên có hiện tượng mềm trái nên giá thu thấp hơn. Hiện giá nho xanh bán tại vườn từ 35.000 đồng trở lên, các điểm du lịch và các cửa hàng vẫn bán với giá từ 65.000 – 80.000 đồng/kg. Với mức giá này người dân trồng nho có thu nhập cao và ổn định” – ông Phạm Dũng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi, chủ trang trại nho Hai Tường (thôn Thành Sơn) – một trong những vườn nho được cấp mã số vùng trồng nội địa cho biết, hiện nay vườn không đủ cung ứng nho cho các hệ thống và các đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Theo bà Vi, vườn hữu cơ cho sản lượng và chất lượng trái nho ổn định bất chấp thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Trung Nhân
Theo bà Vi, vườn hữu cơ cho sản lượng và chất lượng trái nho ổn định bất chấp thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Trung Nhân

“Vườn chỉ còn vài ngày nữa là trái nho được 120 ngày là tiến hành cắt bán dần, trái nho đang căng mọng, giòn và độ brix đạt mức 20 (mức đo độ ngọt tốt nhất đối với trái nho)” – bà Vi cho biết.

Theo bà Vi, để có được trái nho như hôm nay, trang trại đã mất 5 năm phục hồi đất để có được vườn nho hữu cơ nền, hữu cơ trấu đốt. “Với chất đất hiện tại, cây nho dù gặp phải biến chuyển về thời tiết cũng không ảnh hưởng, trái vẫn giòn căng mọng, ngọt và không dễ bị mềm trái khi gặp nắng nóng, thiếu nước như một số vườn vẫn sử dụng phân hóa học” – bà Vi chia sẻ.

Theo những người trồng nho hữu cơ, sau khi vườn được phục hồi hữu cơ, nếu trang trại nho đạt 70-80% hữu cơ thì chi phí ban đầu khá cao, nhưng sau khi đất ổn định thì sản lượng và chất lượng trái luôn ổn định.

“Một vườn nho khoảng 2,5 sào chỉ cần 1 bao NPK giá 1 triệu đồng có thể rải cả vườn, nhưng hữu cơ thì mất khoảng 15 triệu đồng. Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng cái đạt được là chất lượng và sản lượng nho cao, nho có độ ngọt, thanh vị, cơm đều đạt tiêu chuẩn nên khi gặp thời tiết xấu vẫn có thể cứu được, hoặc tệ nhất là đưa nho đi sấy khô vẫn đạt chất lượng. Đối với những vườn không hữu cơ sử dụng phân hóa học khi thời tiết xấu, hoặc gặp một trận mưa là có thể mất luôn cả vườn, nho xấu cũng không thể làm được rượu” – bà Vi cho biết.

Những cánh đồng nho xanh rì tại Thành Sơn. Ảnh: Trung Nhân
Những cánh đồng nho xanh rì tại Thành Sơn. Ảnh: Trung Nhân

Chia sẻ thêm về canh tác cây nho, bà Vi cho biết nhiều vườn để trái khoảng 2 tấn/sào nhưng vườn nho Hai Tường chỉ để khoảng 1,7-1,8 tấn để nho sinh trưởng đạt chất lượng tốt nhất.

“Nếu để mật độ trái dày và để trái sinh trưởng trên nhánh non sẽ có hiện tượng mềm trái khi gặp thời tiết khắc nghiệt. Xả bỏ cành yếu (3 cành lấy 2 bông) thì chất lượng trái sẽ tốt dù thời tiết khắc nghiệt” – bà Vi chia sẻ.

Ông Phạm Dũng cho biết thêm, việc các nhà vườn được cấp mã số vùng trồng rất có lợi cho nhà vườn khi truy xuất nguồn gốc. “Khó khăn ban đầu là nhà vườn phải đạt được các thông số cần thiết để được cấp chứng nhận. Do đó người nông dân phải phục hồi đất cho sạch, vì bao lâu nay đất đã nhiễm thuốc cỏ, nên cần nhiều năm để phục hồi nền hữu cơ” – ông Dũng chia sẻ.

 

Nho xanh Ninh Thuận đủ sức cạnh tranh với nho ngoại

Theo các thương lái, năm nay do nho xanh của Úc và Nam Phi nhập về nhiều nên cạnh tranh mạnh với nho xanh Ninh Thuận. Tuy nhiên, các thương lái cho biết, nho xanh Ninh Thuận vẫn có được vị thế riêng vì giá cả thấp hơn nho ngoại nhưng chất lượng tương đương.

Nho xanh Ninh Thuận đủ sức cạnh tranh với nho ngoại. Ảnh: Trung Nhân
Nho xanh Ninh Thuận đủ sức cạnh tranh với nho ngoại. Ảnh: Trung Nhân

Bà Thu Tuyết – một thương lái chia sẻ, do tâm lý sính ngoại nên nho Ninh Thuận vẫn phải cạnh tranh với nho nhập khẩu. Nho trong nước ngon và sạch hơn vì các nhà vườn cắt bán tươi, còn nho ngoại nhập phải có chất bảo quản mới giữ được trái nho tươi trong nhiều ngày.

Do đó, nhiều người khi đã ăn và hiểu về nho họ vẫn chọn nho Ninh Thuận. Trái nho xanh Ninh Thuận vẫn khẳng định được vị thế và chất lượng đối với người tiêu dùng trên cả nước.