Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng suất xanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Áp dụng năng suất xanh sẽ giúp loại bỏ các lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành.

Ngày 27/10, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo: “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Trao đổi, thảo luận về việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua năng suất xanh, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Việc áp dụng năng suất xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi loại bỏ các lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành, tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, xây dựng doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng.

Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm.
Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm.

Năng suất xanh (Green Productivity) là sự kết hợp của các công cụ, kỹ thuật và công nghệ thích hợp để giảm các tác động đến môi trường từ các hoạt động, hàng hoá và dịch vụ của tổ chức/doanh nghiệp; đồng thời cho phép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để nâng cao năng suất. Năng suất xanh được kết hợp và trở thành một bộ phận trong hoạt động quản lý hàng ngày của tổ chức/doanh nghiệp.

Để tiếp cận năng suất xanh, doanh nghiệp phải sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản: “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn (tài liệu hội thảo).
Cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn (tài liệu hội thảo).

Theo ông Lâm, trên thế giới, có nhiều  nước đã áp dụng thành công mô hình này. Đơn cử như tại Iran, Công ty nước và nước thải quốc gia NWWEC vận hành 34 đơn vị về xử lý nước và nước thải, công ty này tiến hành mua nước và nước thải sau khi xử lý.

Nhiệm vụ là sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân và thu hồi nước thải đô thị, nông thôn. Giải pháp là đề xuất luật bảo vệ môi trường với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Nhờ đó, công ty đã ký 40 hợp đồng giá trị khoảng 1,7 tỷ EURO để mua lại nước thải từ năm 2011, cải thiện chất lượng môi trường, chất lượng nước, bảo vệ nguồn nước và đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Tại Việt Nam, Heineken Việt Nam là nhà sản xuất đồ uống lớn và nhờ áp dụng mô hình CE, tái cấu trúc nhà máy, tái sử dụng và tái chế các nguyên liệu, tăng vòng đời vật liệu giảm chi phí, Heineken Việt Nam tối ưu hóa lượng chất thải từ nhà máy, 99,01% chất thải được tái chế và không có chất thải phải chôn lấp.

Nước thải được xử lý và thu hồi sử dụng cho nhiều mục đích, khí gas từ công trình xử lý nước được sử dụng và cấp nhiệt cho quá trình sản xuất, đồng thời sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, đại biểu dự hội thảo cũng được nghe các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp lớn ở Quảng Ngãi như Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn... chia sẻ tham luận, kinh nghiệm về cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh .

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Thành, hội thảo là diễn đàn để cộng đồng các doanh nghiệp Quảng Ngãi cùng nhau chia sẻ các giá trị nền tảng về năng suất, chất lượng; định hướng và giải pháp phát triển nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong môi trường cạnh tranh, hội nhập.

Đồng thời, trao đổi và thảo luận giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức và doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng đường cải tiến năng suất, chất lượng.

Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn với quan điểm: Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ; doanh nghiệp giữ vai trò chủ yếu, quyết định trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2016 - 2023, Sở KH&CN tổ chức 4 hội thảo, 16 khóa đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức về hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. 

Hỗ trợ kinh phí cho 93 lượt doanh nghiệp tham gia Chương trình năng suất chất lượng giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng; hướng dẫn 3 doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến 5S. 

Hỗ trợ 28 doanh nghiệp tham gia và đạt giải thưởng. Trong đó, có 13 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và 15 doanh nghiệp đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao…

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tăng năng suất, chất lượng trên địa bàn Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại, hạn chế như: một số doanh nghiệp chưa chủ động ứng dụng các thành tựu KH&CN; chuyên gia tư vấn về năng suất, chất lượng của tỉnh còn hạn chế, thiếu về số lượng cũng như kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng hướng dẫn, tư vấn…