Sáng 10/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng Đại sứ Vương quốc Morocco tại Việt Nam Azzeddine Ferhane đã đồng chủ trì buổi lễ khánh thành Công trình tu bổ tôn tạo Cổng Morocco tại xã tản lĩnh, huyện Ba Vì.
Trong giai đoạn 1946-1954, hàng ngàn người lính Morocco đã gia nhập quân đội Việt Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Nông trường Việt - Phi tại Ba Vì, gồm cả những người lính Morocco và các cán bộ người Việt Nam từ miền Nam ra Bắc tập kết. Trong thời gian ở đây, họ đã xây dựng một số công trình, trong đó có chiếc cổng mang dấu ấn của người Morocco.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại Lễ khánh thành |
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Ngoại vụ, UBND huyện Ba Vì, Ban Liên lạc Hội Việt - Phi huyện Ba Vì và các đơn vị liên quan thực hiện tu bổ cổng. Đến nay, việc tu bổ Cổng đã hoàn thành giai đoạn 1, gồm trám vá, khôi phục các họa tiết, hoa văn bị mất nét, quét vôi theo màu sắc cũ, lát phần nền và ốp vỉa bằng đá nguyên khối từ nguồn kinh phí của Morocco.
Lễ cắt băng khánh thành Công trình. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, mối quan hệ truyền thống Việt Nam và Morocco đã được dày công vun đắp, tôi luyện trong thực tế và vun đúc qua nhiều thế hệ. Công trình Cổng Morocco có kiến trúc Moorish đặc trưng, được xem như một di sản văn hóa quan trọng trên địa bàn TP Hà Nội. Việc tu bổ, tôn tạo Cổng Morocco tạo dấu ấn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Trong xu thế hội nhập quốc tế, khi quan hệ giữa 2 nước Việt Nam - Morocco ngày càng toàn diện, đây là điểm nhấn du lịch rất quan trọng, minh chứng cho sự gắn bó keo sơn giữa 2 dân tộc, khẳng định tình đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa 2 quốc gia.
Về phần mình, Đại sứ Morocco tại Việt Nam cho biết, Cổng Morocco là một phần di sản lịch sử chung giữa Việt Nam và Morocco, mang thông điệp chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình giữa các dân tộc trên toàn thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là công trình kiến trúc và văn hóa Hồi giáo độc đáo và duy nhất mang phong cách Morocco vẫn tồn tại trong lục địa châu Á, là hiện thân của tình yêu và lòng nhân đạo của Việt Nam, một quốc gia yêu chuộng hòa bình.