Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của Việt Nam từng bước được hình thành và phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho các startup. Trong thời gian tới, các địa phương cần liên kết lại tạo thành một mạng lưới hệ sinh thái KNĐMST vững chắc, cùng chia sẻ nguồn lực, tạo điều kiện cho việc phát triển của các DN KNĐMST.

 Sinh viên là lực lượng nòng cốt của KNĐMST

Hình thành mạng lưới liên kết
Sau 5 năm thực hiện, Đề án 844 của Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia đến năm 2025 đã đạt được những thành tựu đáng kể. Có thể thấy một loạt giải pháp được xây dựng và đề xuất từ các chủ thể trong hệ sinh thái như trường đại học, cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các DN nghiên cứu, đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo; ban hành bộ chỉ số xếp hạng hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia; nghiên cứu các cơ chế thúc đẩy DN từ cơ sở giáo dục… Qua đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN (Bộ KH&CN), việc nghiên cứu đồng bộ và thống nhất ở các địa phương, cũng như vai trò của các đơn vị nghiên cứu như viện, trường đại học trong việc đóng góp xây dựng chính sách chưa được đề cao. Sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị nghiên cứu với cơ quan quản lý về KNĐMST còn yếu, đặt biệt là chưa có một mạng lưới thống nhất trên quy mô cả nước về việc nghiên cứu, xây dựng chính sách cho KNĐMST.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp (Bộ KH&CN) cho rằng, cần phải hình thành một mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách thống nhất trên toàn quốc, kết nối giữa các đơn vị nghiên cứu và cơ quan quản lý địa phương. Mạng lưới này sẽ giúp cho các đơn vị nghiên cứu hợp tác và chủ động liên kết trên cơ sở cùng chia sẻ nguồn lực; góp phần nâng cao chất lượng, tạo sức ảnh hưởng của những công trình nghiên cứu tại các trường đại học trong mạng lưới; hỗ trợ, bổ sung vào chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển của các DN KNĐMST.
Để hình thành mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp sáng tạo, ông Phạm Hồng Quất đề xuất trường đại học kết nối với vườn ươm, tạo ra nền tảng chia sẻ để tìm ra nghiên cứu phù hợp… Quan trọng hơn, cần phải có người tư vấn phù hợp, phải có sự trao đổi qua lại, có sự đánh giá từ khu vực đào tạo, từ người tư vấn, người phản biện,.
Kéo các nhà khoa học, hút sinh viên vào cuộc
Là cơ quan được giao tập hợp các phản ánh, phản hồi từ các chủ thể, tham mưu, xây dựng chính sách về vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, giai đoạn tới cần cải thiện một số thể chế liên quan đến cơ chế đặc thù dành cho ứng dụng những mô hình kinh tế mới, công nghệ mới trong các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực tiềm năng nhưng đầy thách thức. Bên cạnh đó, cần có chính chính khuyến khích hơn nữa nhà đầu tư cá nhân và đầu tư xã hội, đầu tư cộng đồng cho các bạn khởi nghiệp, để các bạn có thêm nguồn lực. Đặc biệt, cần có chính sách để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đào tạo, tạo nguồn trí tuệ trẻ, có tư duy mới và có kỹ năng để cung cấp cho hệ sinh thái những nguồn lực có lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
GS TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc Dân cho rằng, đội ngũ KNĐMST đông đảo nhất hiện nay chính là các bạn trẻ từ cấp phổ thông đến đại học. Do đó, cần phải thu hút lực lượng này tham gia KNĐMST. Việc đưa KNĐMST vào đào tạo tại các trường đại học là cách làm đúng đắn.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ, KNĐMST, theo Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, hiện các nhà khoa học chưa hoàn toàn chủ động nắm bắt vấn đề thực tiễn liên quan đến chính sách. Mặt khác, Sở cũng chủ động đặt hàng các nhà khoa học về những nhiệm vụ cần thiết. Đáng chú ý, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN Hà Nội đang đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu 2 vấn đề, đó là giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội; đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp về phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP nói chung… nhằm giúp cho Hà Nội có những bước tiến tốt hơn trong việc phát triển tài sản trí tuệ. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để cho các nhà khoa học có thể nghiên cứu được tốt cần có một mạng lưới thông tin đầy đủ, các Sở KH&CN cấp tỉnh cần triển khai cổng thông tin về khởi nghiệp; kéo các nhà khoa học vào cuộc chơi của ĐMST.