Giá trị kinh tế vượt trội
Theo thống kê, tổng diện tích trồng hoa của huyện Mê Linh hiện khoảng 535ha. Những năm qua, địa phương đã hình thành được nhiều vùng hoa có quy mô trên 20ha trở lên tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê, Tiền Phong…
Bên cạnh các giống hoa truyền thống, nông dân huyện Mê Linh còn chủ động tìm kiếm, thử nghiệm nhiều giống hoa mới nhập ngoại, có độ bền cao, mùi hương và màu sắc đa dạng, phong phú. Một số kỹ thuật canh tác mới cũng được áp dụng rộng rãi như: Nhà màng, nhà lưới, trồng hoa trong chậu, hoa thảm… Nhờ đó, giá trị kinh tế trên một héc-ta canh tác hoa đạt khoảng 500 triệu đồng.
Đặc biệt, từ năm 2016, huyện Mê Linh đã hỗ trợ hàng chục hộ nông dân xã Mê Linh thí điểm sản xuất mô hình hoa hồng thế. Từ 3.300 gốc tầm xuân ban đầu, đến nay quy mô đã tăng lên gần 1,1 triệu chậu. Mô hình sản xuất mới cho giá trị kinh tế lên tới 160 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 200 lần so với cây lúa.
"Huyện Mê Linh cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế từ cây hoa. Tăng cường các giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng những mô hình trồng hoa công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị từ cây hoa. Phấn đấu đưa huyện Mê Linh trở thành vùng hoa chất lượng cao của Thủ đô" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng |
Xây dựng vùng hoa chất lượng cao
Mang lại giá trị kinh tế vượt trội, tuy nhiên việc phát triển vùng hoa lớn nhất Thủ đô Hà Nội hiện vẫn còn không ít khó khăn. Đô thị hóa khiến quỹ đất nông nghiệp ngày một hạn hẹp, sự suy giảm chất lượng đất và nguồn nước ảnh hưởng tới sản xuất. Đặc biệt, công tác bảo quản hoa sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có 168 nhà lạnh, mới chỉ đáp ứng nhu cầu bảo quản cho gần 45% sản lượng hoa. Điều này khiến người nông dân dễ rơi vào bị động trong việc tiêu thụ hoa khi điều kiện thời tiết bất thuận.
Để thúc đẩy sự lớn mạnh của thủ phủ hoa Mê Linh, vừa qua UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất hoa hồng chất lượng cao rộng 170ha tại các xã: Tự Lập, Liên Mạc, Vạn Yên, Tiến Thịnh. Cuối năm 2017, các làng hoa, cây cảnh thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), Liễu Trì (xã Mê Linh) và Đại Bái (xã Đại Thịnh) đã được TP công nhận là “Làng nghề truyền thống”. Đây là tiền đề quan trọng để những vựa hoa tiếp tục nảy nở trên mảnh đất Mê Linh.
Chủ tich UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, trong năm 2019, địa phương sẽ cụ thể hóa các giải pháp thực hiện quy hoạch vùng hoa hồng chất lượng cao; duy trì và phát triển các làng nghề trồng hoa mà UBND TP Hà Nội đã phê duyệt. Chú trọng tuyển lựa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất các giống hoa có chất lượng cao, gắn với bảo quản, nhằm nâng cao giá trị cho hoa, cây cảnh.
Bên cạnh gia tăng giá trị sản xuất, huyện sẽ tăng cường quảng bá thương hiệu hoa Mê Linh thông qua việc tham gia các hội chợ. Xúc tiến thương mại, xây dựng chợ đầu mối hoa và nông sản cấp vùng, tạo thuận tiện cho giao thương hàng hóa. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của TP Hà Nội, xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh, phấn đấu đưa cây hoa trở thành thương hiệu mạnh.