Nâng tầm trong thu hút FDI

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Đề án Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ được nhiều DN quan tâm.

Được biết, mục tiêu mà Dự thảo hướng tới là đảm bảo hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư (NĐT) lớn và nhỏ, ưu tiên kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu…

Định hướng mới thu hút FDI

Tính lũy kế đến ngày 20/3/2022, cả nước có 34.815 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 422,84 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2021, nếu xét số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được nhiều dự án nhất với trên 241,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 59,3%; bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ chiếm lần lượt 15,1% và 8,3% tổng vốn đầu tư.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cơ cấu đầu tư như trên là đúng hướng và có tác động tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa của nước ta. Tuy nhiên, việc thu hút vốn ĐTNN có hiệu quả không, nền kinh tế có thể hấp thu được các công nghệ, vốn nước ngoài mang vào hay không phụ thuộc lớn vào việc liên kết DN nước ngoài với DN trong nước.

Thực tế, câu chuyện về sự liên kết yếu kém giữa DN FDI và DN trong nước không phải là mới. Nhưng câu chuyện này sẽ ngày càng nóng hơn, bởi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế và nếu không có được sự liên kết thì khả năng cạnh tranh của DN trong nước sẽ ngày càng yếu.

Một báo cáo gần đây được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ cũng thừa nhận, mối liên kết giữa khu vực DN FDI và DN trong nước vẫn đang là hạn chế lớn nhất trong thu hút và sử dụng vốn FDI. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân chỉ ở mức 20 - 25%, trong đó, dệt may, da giày ở mức 40 - 45%; điện tử gia dụng 30 - 35%; lắp ráp ô tô cá nhân chỉ 7 - 10%. Nhìn vào những chỉ số này, dường như ai cũng đều hiểu được tầm quan trọng của việc tạo ra mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước. Nhưng làm thế nào để tạo được sự liên kết đó lại là một vấn đề không dễ giải quyết.

Tăng tính liên kết, hài hòa lợi ích

Thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Intel, Honda, Panasonic, Luxshare, Pegatron, Winston… liên tục đổ vốn vào Việt Nam. Các hiệp định thương mại đa phương và song phương Việt Nam đã ký kết tạo cơ hội cho các dòng công nghệ cao của các DN FDI vào Việt Nam. Nhiều NĐT nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến.

Đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam cũng là thêm một lần, vấn đề tầm vóc của DN Việt được đặt ra. TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright phân tích, sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào ĐTNN khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài. Bởi vậy, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ vì dịch bệnh, các DN chật vật sản xuất cầm chừng khi nguồn nguyên liệu đầu vào dần cạn kiệt.

Trong nỗ lực nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Samsung và chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng và triển khai Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023. Dự án với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 DN áp dụng mô hình nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 -2023). Nói về nỗ lực kết nối này, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, tính đến cuối năm 2021, Samsung đã tư vấn cải tiến cho 379 DN. Nhờ nỗ lực này, số lượng các nhà cung ứng cho Samsung là DN Việt cũng gia tăng nhanh chóng.

Dù đã trở thành một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của Panasonic, song Tổng Giám đốc Công ty VPMS Lê Cảnh Dương thừa nhận, khi gặp các đơn hàng lớn của các tập đoàn lớn, DN Việt Nam thường e dè.

Từ kinh nghiệm hợp tác thành công giữa DN Việt Nam với Tập đoàn Samsung hay Panasonic, có thể khẳng định các DN trong nước có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nếu: Tự tin và chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác tin cậy với các tập đoàn quốc tế đang kinh doanh tại Việt Nam; Coi đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao theo lộ trình thích hợp; DN FDI kết nối với DN trong nước, hỗ trợ thiết thực về chuyên gia, giải pháp công nghệ, quản trị DN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó ngày càng có nhiều DN Việt tham gia các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Bởi vậy, khi Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ KH&ĐT về việc lồng ghép nội dung Đề án “Đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả vốn ĐTNN trong tình hình mới” vào Đề án “Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021 - 2030” được các DN rất mong chờ và đón nhận.

Về quan điểm, Thủ tướng cho rằng, cần thể hiện rõ hơn yêu cầu: Xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không thu hút ĐTNN bằng mọi giá, hài hòa giữa thu hút NĐT lớn và nhỏ, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý tiên tiến...

Để FDI và doanh nghiệp Việt liên kết cùng phát triển

Định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để giải bài toán vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị của các DN, cùng với nỗ lực của DN là yếu tố chính, hỗ trợ của địa phương rất quan trọng; đồng thời, định hướng Nhà nước mang tính quyết định. Cùng với đó, nhiều quy định mới như: Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 hay Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Chúng ta không còn nói đi nói lại nhiều quá, thay vào đó, cần bắt tay hành động. Theo đó, các DN cần xác định cần làm gì, Nhà nước có thể hỗ trợ gì để kết nối với nhau ở từng dự án, từng chuỗi, từ mục tiêu nhỏ sẽ làm được các mục tiêu lớn hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

 

"Các DN nội hoàn toàn có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này, DN trong nước phải luôn coi đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế để DN FDI tăng cường kết nối hơn với DN Việt, hỗ trợ thiết thực về chuyên gia, giải pháp công nghệ, quản trị để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Hoặc có chính sách khuyến khích mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước bằng cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính..." - GS-TSKH Nguyễn Mại