Nâng thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Động lực phục hồi tăng trưởng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu được kỳ vọng tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản cho thị trường, qua đó dẫn nguồn vốn quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ đã chính thức được vận hành với hơn 1.600 mã TPDN riêng lẻ dự kiến được đưa vào giao dịch sau khi khai trương hệ thống. Sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu được kỳ vọng tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản cho thị trường, qua đó dẫn nguồn vốn quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tăng tính minh bạch

Theo quy chế, việc giao dịch TPDN riêng lẻ trên hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) được thực hiện thông qua thành viên giao dịch TPDN riêng lẻ. Hệ thống này chỉ nhận lệnh giao dịch từ thành viên giao dịch TPDN riêng lẻ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (giữa) tham dự khai trương Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: Minh Phương
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (giữa) tham dự khai trương Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: Minh Phương

Cơ chế giao dịch trên thị trường TPDN riêng lẻ thứ cấp là giao dịch thỏa thuận. Với cơ chế này, các nhà đầu tư phải tìm hiểu thông tin đầy đủ và xác nhận trước khi mua. Cơ chế thanh toán tương tự thị trường phái sinh là thanh toán tức thời và thanh toán cuối ngày.

Phía HNX cho biết, đã hoàn thành xây dựng hệ thống giai đoạn 1 và tổ chức nhiều đợt kiểm thử để bảo đảm các chức năng hệ thống được vận hành chính xác. Hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán đã sẵn sàng.

 

Thực tế đã cho thấy thị trường TPDN đã sụt giảm mạnh về dự nợ và khối lượng phát hành mới (giảm từ gần 750.000 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống chỉ còn trên 250.000 tỷ đồng đầu năm 2023). Vì vậy, cần nhìn nhận chính xác, đúng mức để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Vũ Thị Chân Phương

Từ tháng 6, hệ thống đã hoàn thành việc thử nghiệm với thành viên, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Kết quả kiểm thử cho thấy, hệ thống vận hành ổn định, đáp ứng được yêu cầu của thành viên trong việc nhập lệnh và tra cứu thông tin, đáp ứng yêu cầu của HNX trong việc quản lý, vận hành hệ thống.

Giới chuyên gia cho rằng, đây là một bước tiến lớn của thị trường. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cho rằng, việc đăng ký giao dịch tập trung sẽ góp phần giải quyết 4 vấn đề lớn của thị trường hiện nay. Thứ nhất, hoạt động kê khai tập trung và với các yêu cầu về kê khai thông tin về tổ chức phát hành và về lô trái phiếu đó sẽ góp phần cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường, làm cơ sở cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định, chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình.

Thứ hai, việc để trái phiếu riêng lẻ lên sàn sẽ góp phần thực hiện giải quyết vấn đề thanh khoản khi cần thiết. Thứ ba, việc kê khai và giao dịch tập trung này sẽ góp phần tạo đường cong lãi suất cho từng trái phiếu tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm hay đánh giá chất lượng trái phiếu của thị trường và tùy theo kỳ hạn của trái phiếu.

Thứ tư, việc giao dịch và hình thành đường cong lãi suất trái phiếu sẽ giải quyết vấn đề định giá trái phiếu. Điều này là rất cần thiết cho các định chế đầu tư nhằm phục vụ công tác quản trị rủi ro, báo cáo và tuân thủ. Việc hình thành công cụ định giá trái phiếu cũng sẽ góp phần mở rộng cơ sở nhà đầu tư, bao gồm cả các định chế tài chính đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này.

Cuối cùng, qua việc kê khai và giao dịch tập trung này sẽ góp phần xác định và quản lý tốt hơn thông tin trái chủ. Điều này góp phần nhằm bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư một cách nhanh chóng và rõ ràng thay vì để các trái phiếu giao dịch trôi nổi trên thị trường.

Kênh dẫn vốn vào nền kinh tế

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6 - 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, Bộ KH&ĐT dự kiến 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8 - 8,9%. Đồng nghĩa, cần rất nhiều đòn bẩy để tạo đà, trong đó động lực về nguồn vốn luôn đóng vai trò hàng đầu.

Thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh sẽ tạo thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh sẽ tạo thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam, hiện có 3 nguồn huy động vốn chủ yếu là vốn tín dụng ngân hàng, vốn cổ phiếu và vốn trái phiếu. Trong đó, việc cung ứng vốn trung và dài hạn qua kênh ngân hàng thương mại sẽ gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn mà cho vay trung và dài hạn.

Đối với vốn cổ phiếu, có thể là vốn dài hạn nhưng lại liên quan đến vấn đề pha loãng quyền kiểm soát của chủ DN, làm việc quản trị DN trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Còn đối với kênh dẫn vốn trái phiếu, giúp DN có kênh huy động vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để có thể mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà máy, xí nghiệp… giúp nền kinh tế phát triển. Qua đó có thể thấy vai trò hết sức quan trọng của kênh dẫn vốn thị trường TPDN trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực, quy mô của thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện nay, dư nợ toàn thị trường TPDN bao gồm cả TPDN riêng lẻ chỉ khoảng 13% GDP.

Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP. Chất lượng của thị trường cũng cần được cải thiện.

Với việc nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, hoạt động của các DN bị ảnh hưởng khá nhiều, sẽ là áp lực lớn đối với các DN phát hành trái phiếu trong việc thanh toán trái phiếu cũ và huy động trái phiếu mới.

 

Với sàn giao dịch TPDN riêng lẻ, bất kỳ ai cũng có thể được bán TPDN của mình công khai, bất cứ lúc nào, thay vì như trước đây phải chờ đến khi đáo hạn, hay phụ thuộc hoàn toàn vào việc DN phát hành, công ty chứng khoán có mua lại hay không. Kể cả tổ chức phát hành không mua lại thì đã có các nhà đầu tư thứ cấp khác sẵn sàng mua các loại trái phiếu đó. Chúng ta tăng được tính thanh khoản và rõ ràng lợi cho cả nhà đầu tư và tổ chức phát hành, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu ngắn hạn.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Đỗ Bảo Ngọc

Nửa cuối năm 2022, thị trường TPDN riêng lẻ chứng kiến "cú sốc" tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư thường xuyên thấy nhiều vụ việc bị các cơ quan chức năng xử lý. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều DN gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.

Chính vì vậy, để hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng cho đòn bẩy tín dụng truyền thống đã quá cao, việc phát triển thị trường TPDN là một giải pháp giúp dẫn nguồn vốn đặc thù cho DN.

Còn nhiều việc phải làm

Bộ trưởng Bộ Tài chính Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào vận hành là rất cần thiết, kỳ vọng giúp tăng thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, việc khai trương hệ thống mới là bước đầu và còn nhiều việc phải làm phía trước. Một trong những nhiệm vụ đó là xây dựng và phát triển thị trường phù hợp với mức độ nền kinh tế, mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường quốc tế.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, tăng trưởng của thị trường TPDN riêng lẻ giai đoạn qua đã bộc lộ một số hạn chế. Một số DN phát hành sai mục đích có biểu hiện vi phạm pháp luật, đang bị cơ quan chức năng xử lý. Tình hình sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó khăn, DN phải giãn nợ kéo dài thời hạn trái phiếu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, gây bất ổn trên thị trường tài chính, cũng như dư luận xã hội.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phải phân biệt giữa TPDN phát hành bởi các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính với các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm. Đồng thời tạo điều kiện cho các DN hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.