Nâng thế và lực để giữ vững độc lập, chủ quyền
Kinhtedothi - "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân...
 |
Kinhtedothi - "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…" và "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy", câu nói đó của Bác trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Để thực hiện tư tưởng vĩ đại và mong muốn cao cả của Người, dân tộc ta đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, hy sinh. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2013), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) về việc nâng cao thế và lực của đất nước để giữ vững quyền tự do, độc lập và chủ quyền dân tộc.
Độc lập, chủ quyền là quyền tối thượng
Kể từ khi bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 ra đời, giá trị của văn kiện lịch sử này đã được khẳng định. Xin ông cho biết thêm về những giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập đối với lịch sử của dân tộc nói riêng và thế giới nói chung?
- Trước hết, tôi xin khái quát lại ý nghĩa lịch sử trọng đại của Cách mạng Tháng Tám. Nhờ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra đời, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc ta. Từ đó, với vị thế của một dân tộc có quyền độc lập, tự chủ cùng sự lãnh đạo chủ động, sáng tạo và linh hoạt của Đảng, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Như chúng ta đã biết, trước thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Đọc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, dân tộc ta đã có hai bản Tuyên ngôn là bài thơ Nam quốc Sơn Hà, tương truyền của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, phải đến bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, những giá trị mà các bản Tuyên ngôn trước đây mới được kế thừa và phát triển một cách hoàn chỉnh. Tuyên ngôn Độc lập là sự tuyên bố hùng hồn cho thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, tuyên bố với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới về việc chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp cùng hàng ngàn năm phong kiến ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên của độc lập tự do; là bản cáo trạng đanh thép về chính sách cai trị độc đoán của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Với những ngôn từ đanh thép, cứ liệu khoa học và cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định độc lập, tự do là quyền không thể chối cãi của bất kỳ một dân tộc nào. Vì thế không ngạc nhiên khi nhiều nhà bình luận quốc tế đã khẳng định, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là "một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức".
Theo ông, những giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 có tác động như thế nào đến công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay?
- Có thể nói, 68 năm đã trôi qua, đất nước đã có nhiều đổi thay, nhưng những tư tưởng lớn về độc lập dân tộc, đại đoàn kết, dân chủ... mà Hồ Chủ tịch đã viết trong Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được hưởng tự do độc lập không chỉ là quyền của mỗi con người cụ thể, mà còn là của mỗi dân tộc. Đó cũng chính là điểm khác biệt lớn về tầm nhìn của Bác khi "dẫn nguồn" lại những bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp để nâng quyền con người lên thành quyền dân tộc.
Đối với công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay, theo tôi, chúng ta vẫn phải kiên trì hai nhiệm vụ chiến lược theo tinh thần bản Tuyên ngôn, đó là bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ mật thiết với nhau, độc lập dân tộc là tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH); còn CNXH là nhằm củng cố vững chắc giá trị của độc lập dân tộc. Tất nhiên, ý nghĩa của từ độc lập không chỉ là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà còn bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập... Trong giai đoạn hiện nay, chỉ có kiên trì theo con đường tiến lên CNXH mà Đảng đã chọn mới bảo vệ và phát huy một cách vững chắc nền độc lập ấy.
Tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh
Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ, trong lúc phải vừa đối phó với "giặc đói, giặc dốt", dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực đối ngoại. Ông đánh giá thế nào về chính sách ngoại giao linh hoạt, chủ động mà Bác đã vận dụng để đưa đất nước thoát khỏi tình thế nguy hiểm?
- Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, có lúc vận mệnh của nước ta rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng nhờ sách lược ngoại giao khôn ngoan "dĩ bất biến ứng vạn biến", từ chỗ chưa có quốc gia nào công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều Chính phủ đã đặt quan hệ ngoại giao và hỗ trợ chính quyền non trẻ nước ta trong cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài.
Trên thực tế, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tỉnh táo và sáng suốt phân tích tình thế, chiều hướng phát triển của các trào lưu cách mạng trên thế giới và sức mạnh mới của dân tộc làm cơ sở để vạch ra chủ trương và giải pháp đấu tranh giữ vững chính quyền, bảo vệ nền độc lập tự do. Nhờ vậy, chúng ta tránh được đụng độ sớm với kẻ thù, tích lũy được thêm lực lượng và thời gian để chuẩn bị. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng muốn chiến thắng phải có thực lực, mà thể hiện ở đây là tinh thần đại đoàn kết của dân tộc. Chúng ta đã làm được điều đó, đồng thời có thêm bài học lớn về mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước và Nhân dân. Giá trị của bài học còn có ý nghĩa sâu sắc đến ngày nay, cũng như sự đòi hỏi thường xuyên phải làm thế nào để củng cố mối quan hệ ấy, giúp dân tộc đoàn kết vươn lên, vượt qua những giai đoạn sóng gió.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác đã chủ trương thực hiện chính sách vừa đề cao chủ quyền độc lập, dân tộc, vừa hợp tác rộng rãi, mở cửa và làm bạn với các nước trên thế giới. Theo ông, tư tưởng ngoại giao của Người nên được vận dụng như thế nào để phát huy hiệu quả?
- Từ năm 1945 - 1946, Bác đã chú trọng quan hệ, cách ứng xử với các nước lớn. Với Trung Quốc, Bác đã xác định phải thực hiện chính sách "Hoa - Việt thân thiện". Sau này, khi ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 với Pháp, Bác đã cử đoàn đại biểu sang Trung Quốc để giữ hòa khí với chính quyền Tưởng Giới Thạch. Với Mỹ, Bác đã xác định chính sách của Việt Nam là "hợp tác toàn diện". Với Liên Xô dù khoảng cách địa lý khá xa và chưa ủng hộ trực tiếp cho cách mạng Việt Nam nhưng Bác đã xác định quan điểm hợp tác nhiều mặt. Ngay cả với Pháp, mặc dù là nước đã thực hiện ách đô hộ với nước ta nhưng Bác vẫn tỏ ra mềm dẻo và nhân nhượng khi ưu tiên một số quyền lợi về kinh tế cho Pháp.
Cuối tháng 12/1946, khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, trong thư gửi Liên Hợp quốc, Bác vẫn khẳng định nước ta theo đuổi chính sách hợp tác rộng rãi và mở cửa. Đến tháng 9/1947, ngay cả khi đã lên Việt Bắc để chỉ huy cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, trả lời câu hỏi của phóng viên Mỹ, Bác vẫn thể hiện một tư tưởng kiên định là: "Việt Nam làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên thế giới, không gây thù oán với một ai". Rõ ràng, đến ngày nay, tư tưởng ngoại giao này của Bác vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam của chính sách ngoại giao năng động, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực của các tổ chức đa phương Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, với rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách, tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh nhằm duy trì quyền độc lập tối thượng của dân tộc và hành động theo luật pháp quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời đại và còn nguyên giá trị. Theo đó, chúng ta phải nâng cao thế và lực của đất nước để giữ vững độc lập và chủ quyền dân tộc. Muốn làm tốt điều đó, phải dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân, sự ổn định chính trị, đồng thuận xã hội, tập trung nâng cao tiềm lực của đất nước và nắm chắc pháp lý quốc tế; lấy cái tổng thể làm mục tiêu chính, "biến xung đột lớn thành xung đột nhỏ, xung đột nhỏ thành như không" như lời dạy của Bác. Mười năm trở lại đây, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế đã tăng lên rõ nét. Chúng ta đảm nhiệm thành công nhiệm vụ là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (trong đo có một tháng là Chủ tịch Hội đồng Bảo an), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trở thành đối tác chiến lược với nhiều cường quốc… Đó là những thành công lớn, là minh chứng cho ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn ông!