Nâng tuổi hưu phải có bước đi thích hợp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chương trình Kỳ họp, hôm nay (16/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trước đó, thảo luận tại tổ, các ĐB Quốc hội có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là những quy định liên quan đến tuổi hưu, cách tính lương hưu…

Nâng tuổi hưu phải có bước đi thích hợp - Ảnh 1
Trao đổi với báo chí về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, cá nhân bà ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải có bước đi thích hợp.

Nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu về cách tính lương hưu mới mà Dự thảo Luật đưa ra. Bà có thể giải thích rõ hơn?

- Hiện đang lấy bình quân một số năm cuối để tính lương hưu nên việc hưởng lương hưu đang cao hơn so với cả quá trình đóng bảo hiểm của người lao động. Cách tính mà Dự thảo Luật đưa ra là tính lương bình quân cả quá trình đóng, như vậy sẽ hợp lý hơn. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh, để người lao động yên tâm, người bắt đầu đóng bảo hiểm lần đầu tiên vào ngày 1/1/2018 mới bắt đầu tính theo chính sách này. Và 20 năm sau, những người đóng theo chính sách mới sẽ hưởng lương hưu bình quân cả quá trình đóng bảo hiểm. Nếu tính sớm quá sẽ thiệt thòi cho người lao động, vì quá trình tính lương thời gian qua có nhiều thăng trầm, mức lương hưu cách đây hơn chục năm rất thấp và sẽ gây khó khăn cho người lao động.

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nhận được rất nhiều sự quan tâm của ĐB Quốc hội, trong đó có nhiều ý kiến không đồng tình. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

- Theo Bộ Luật Lao động, Điều 187 cho phép tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm quản lý, nhóm chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời cho phép những người lao động nặng nhọc độc hại nguy hiểm ở những địa bàn quá khó khăn có thể được giảm tuổi nghỉ hưu. Việc tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu trong vòng 5 tuổi. Thẩm quyền này đang giao cho Chính phủ. Đến năm 2020 có khoảng 50% người lao động tham gia vào bảo hiểm hưu trí, lúc đó có thể tiến hành đồng bộ hơn về chính sách tăng tuổi nghỉ hưu.

Cá nhân tôi vẫn ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Mỗi năm có thêm khoảng 1 triệu lao động trẻ, và Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu lực lượng lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc. Đến lúc nào mà hai tỷ lệ này bằng nhau thì dứt khoát phải tăng tuổi nghỉ hưu lên.

Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, việc vỡ quỹ là do khâu quản lý có vấn đề và đặc biệt là bộ máy quá cồng kềnh, không hiệu quả dẫn đến phải dùng chính tiền của người lao động trả lương nên vỡ quỹ không có gì là khó hiểu?.- Hiện, việc quản lý thu chi là theo luật, nên an toàn trừ việc đầu tư cho một công ty tài chính của Ngân hàng NN&PTNT và đây là vấn đề làm ảnh hưởng một phần tới quỹ. Quỹ hiện nay chủ yếu đầu tư  vào Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu Chính phủ chứ chưa đầu tư vào công trình lớn nên mức sinh lời thấp nhưng an toàn. Tuy nhiên, bộ máy chi phí như thế nào thì cũng là chuyện phải bàn. Hiện, Ủy ban về Các vấn đề xã hội đề nghị lấy từ tiền sinh lời chứ không được lấy tiền của người đóng và chủ sử dụng lao động để vận hành bộ máy… Chúng tôi cũng yêu cầu BHXH tăng cường quản lý bằng công nghệ thông tin, và thực hiện xã hội hóa như thuê bưu điện chi trả trên địa bàn; thông qua việc thu bảo hiểm từ cơ quan thuế và sự tham gia của một số cơ quan nữa để giảm bộ máy xuống và tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.

Để tăng tính khả thi của Luật, cần có thêm quy định mới nào không, thưa bà?

- Tôi cho rằng, việc giao sổ BHXH lại cho người lao động sẽ được giám sát tốt hơn, từ trước đến nay không đưa sổ nên họ không biết là đóng được bao nhiêu năm và đóng bao nhiêu tiền. Việc giao sổ, nếu có vấn đề gì thì sẽ khởi kiện ra tòa, như vậy quá trình giám sát sẽ tốt hơn, tăng quyền tự bảo đảm an sinh cho người lao động, họ không phó thác cuộc đời mình cho Nhà nước, cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn bà!

 
Trong tuần làm việc từ 16 - 20/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Dự án Luật Doanh nghiệp, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Dự án Luật Căn cước công dân, Dự án Luật Hộ tịch… Đồng thời thông qua nhiều dự án Luật như Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Đầu tư công…