Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng vai trò doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, doanh nghiệp Nhà nước đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, khẩn trương, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương, kịp thời ban hành quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong đó có doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), qua đó thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phục hồi nền kinh tế đất nước. 
Các diễn giả đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao vai trò chủ đạo của DNNN trong phát triển kinh tế. Ảnh: Khắc Kiên
Để đưa ra các giải pháp hiện thực hóa các mục tiêu trên, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức hội thảo: “Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của DNNN trong phát triển kinh tế” sáng 31/3, tại Hà Nội.
Tại hội thảo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã tập trung vào các chủ đề: Một số chủ trương lớn cần thay đổi để phát triển DNNN hiện nay; Thực trạng hoạt động DNNN quy mô lớn, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty và đề xuất một số giải pháp đột phá nhằm củng cố, phát triển tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong thời kỳ mới; Hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN; Hiệu quả hoạt động và quản trị DNNN trong bối cảnh phát triển mới: Vấn đề và giải pháp; Những “điểm nghẽn” và những vấn đề đặt ra trong cơ chế, chính sách phát triển và quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện nay; Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ: trường hợp Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel)...
PGS.TS Hồ Sĩ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nêu quan điểm, về đất, tài sản công... hiện bắt doanh nghiệp là người sử dụng đi rà soát, trong khi địa phương và các bộ, ngành kiểm soát vấn đề này. Thứ nữa là nhiệm vụ chính trị xã hội chưa có ai giao vấn đề này. Nếu giao thì DNNN lại dùng nguồn lực như nào làm, hiệu quả không sao, nhưng nếu không hiệu quả thì người giao nhiệm vụ này cũng phải gánh vác cùng doanh nghiệp. Ví dụ lương thực, khi có biến động mới thấy quan trọng, phải dự trữ để bán bình ổn, sẽ dẫn đến lỗ.
“Thế thì ai giao và trách nhiệm như thế nào. Cần làm rõ cái này. Để đánh giá thêm về hoạt động của DNNN, về cơ chế thoái vốn, cổ phần hóa bán như thế nào?, bán ra làm sao?, bán khi nào?... phải tách bạch rõ” - PGS.TS Hồ Sĩ Hùng đặt hàng loạt câu hỏi. Hiện, đang thiếu đầu mối đồng bộ các chính sách của các bộ, ngành với nhau. Đơn cử, danh mục cổ phần hóa, thoái vốn của Bộ KH&ĐT đưa là hàng năm, nhưng Bộ Tài chính đưa ra thì phải vài năm. Chỉ các khâu từ quyết định đến lúc làm được phải 15 - 16 tháng. Phải xử lý về đất đai, tài sản... Phải phối hợp các bộ với nhau như thế nào. Giữa việc đẩy nhanh và các thủ tục đầu tư làm sao cho thuận lợi, nghĩa là có cơ quan đầu mối thực hiện. Tăng phân cấp, mà không tăng giám sát, đánh giá thì cùng không hiệu quả được. Bởi, cơ quan quản lý không phải người nắm chuyên môn sẽ rất khó đánh giá các yếu tố về kỹ thuật... Do đó, cần thay đổi một số chủ trương lớn để phát triển DNNN hiện nay.