Nên cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc điều hành xuất khẩu gạo cần được trao đổi thẳng thắn, xây dựng để tìm ra một cơ chế điều hành phù hợp.

KTĐT - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh việc điều hành xuất khẩu gạo cần được trao đổi thẳng thắn, xây dựng để tìm ra một cơ chế điều hành phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của người nông dân và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ngày 14/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh việc điều hành xuất khẩu gạo cần được trao đổi thẳng thắn, xây dựng để tìm ra một cơ chế điều hành phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của người nông dân và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hội thảo đã tập trung thảo luận một số nội dung cần thống nhất trong Nghị định như quy định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành hàng kinh doanh có điều kiện và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh; quy định đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo; cơ chế đảm bảo cho nông dân bán lúa có lãi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Phát biểu tại hội thảo, đa số ý kiến đều nhất trí cần quy định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, giao cho Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Cần có biện pháp chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp vi phạm những quy định trong kinh doanh xuất khẩu gạo.

Nhiều đại biểu cho rằng nên giảm mức dự trữ lưu thông xuống dưới 10% để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cần tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước và vai trò của các Hiệp hội, nhưng phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nông dân và và các thành phần kinh tế khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng bộc lộ những tồn tại nhất định. Chẳng hạn như việc chưa xác định rõ trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu gạo với các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của đất nước, với người nông dân sản xuất lúa gạo, với việc bình ổn giá thu mua lúa cho nông dân và giá bán gạo cho người tiêu dùng trong nước.

Theo đó, với cơ chế điều hành như hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo, tuy nhiên có những doanh nghiệp không có kho tàng, cơ sở chế biến, không kinh doanh chuyên sâu về ngành lương thực mà chỉ tham gia xuất khẩu khi thị trường thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp không dự trữ đủ lượng gạo cần thiết cho xuất khẩu, khi ký đuợc hợp đồng xuất khẩu mới tổ chức thu mua.

Khi thị trường xuất khẩu thuận lợi, nông dân bán được lúa với giá cao và khi thị trường xuất khẩu khó khăn, nông dân rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Việc khống chế lượng gạo xuất khẩu theo chỉ tiêu hướng dẫn hàng quý cũng gây ra những bức xúc trong xã hội, như khi thị trường xuất khẩu được giá nhưng nông dân không bán được lúa giá cao do bị khống chế số lượng xuất khẩu.

Việc định giá sàn xuất khẩu gạo hiện nay cũng còn những bất cập như có thời điểm quy định giá sàn quá cao, doanh nghiệp không xuất khẩu được gây tồn đọng lúa trong dân làm giá lúa giảm, thiệt hại cho nông dân và phát sinh tình trạng lách luật, bán phá giá. Từ đó dẫn đến những lúng túng, bị động trong công tác điều hành khi có biến động về thị trường giá gạo ở trong và ngoài nước./.