Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên có hay không một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau; trong đó là việc có hay không một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn…

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Chiều 14/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.

Có lộ trình với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Uỷ ban Xã hội đánh giá cao hoạt động tổ chức của Đoàn giám sát công phu, bài bản, khoa học, cầu thị. Tuy nhiên, mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa và nhiều sách giáo khoa là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ truyền thụ kiến thức sang dạy học, phát triển năng lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Từ một số hạn chế của chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội kiến nghị, vừa làm vừa điều chỉnh. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, đối tượng học sinh và đặc biệt là đối tượng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát là Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí và xây dựng Luật Nhà giáo để tạo điều kiện cho giáo viên và nhà quản lý yên tâm cống hiến, đẩy mạnh xã hội hóa trong mọi khâu để có thêm nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tuyên truyền, công tác truyền thông về kết quả đã có và giải pháp sắp tới cho đội ngũ giáo viên, học sinh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, chương trình mới thực hiện 3 năm, nên chưa thể đánh giá một cách toàn diện về chất lượng, hiệu quả tổng thể của chương trình. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, chương trình mới thực hiện 3 năm, nên chưa thể đánh giá một cách toàn diện về chất lượng, hiệu quả tổng thể của chương trình. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan chất lượng, hiệu quả việc đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, chương trình mới thực hiện 3 năm, nên chưa thể đánh giá một cách toàn diện về chất lượng, hiệu quả tổng thể của chương trình. Tuy nhiên, đã có thể đánh giá được chất lượng, hiệu quả ban đầu của chương trình. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung thêm một mục trong báo cáo để đánh giá về chất lượng, hiệu quả chương trình sách giáo khoa đã được thực hiện ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3; cấp THCS lớp 6, lớp 7; THPT lớp 10.

Đánh giá cao việc triển khai công tác giám sát của Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả đã đạt được liên quan đến những cách làm sáng tạo của một số cơ sở giáo dục; việc phát huy hiệu quả mô hình thư viện sách giáo khoa... để ghi nhận đậm nét thêm về những gì đã đạt được.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả đã đạt được liên quan đến những cách làm sáng tạo của một số cơ sở giáo dục... Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả đã đạt được liên quan đến những cách làm sáng tạo của một số cơ sở giáo dục... Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, bổ sung thêm đánh giá về nguyên nhân hạn chế liên quan đến quy trình tuyển dụng đối với nội dung về thừa, thiếu giáo viên cục bộ... để có những giải pháp, đổi mới giải quyết tốt tình trạng này trong thời gian tới...

Điều chỉnh phù hợp để phát triển tốt hơn

Từ góc độ của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến 3 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.

Một là việc có hay không một bộ sách giáo khoa mà do Bộ GD&ĐT biên soạn. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu rõ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác. Như vậy khuyến nghị của Đoàn giám sát đưa ra là trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay.

Hai là, phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động truyền thông để tạo sự thống nhất cao trong nội bộ ngành giáo dục, đào tạo và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện tốt hơn nữa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, việc lớn thế này mà không nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân thì khó khăn là lẽ đương nhiên.

Ba là, về chính sách cần phải có chính sách để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Đặc biệt là chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những nơi còn khó khăn, đề nghị cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa nguyên lý cơ bản về chính sách dân tộc, quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo rất cụ thể của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong cuộc chất vấn đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Gửi lời cảm ơn đến các thế hệ thầy, cô giáo đã dày công dạy dỗ, chăm sóc, đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong thực tiễn, có những điều cần phải điều chỉnh thì vẫn cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, cho hợp lý để phát triển tốt hơn.