Nên giảm gánh nặng phí, lệ phí cho dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng qua (18/6), thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Phí, lệ phí, các đại biểu...

Kinhtedothi - Sáng qua (18/6), thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Phí, lệ phí, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị cần loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết; các quy định của luật cần tính đến quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ của người dân một cách hợp lý, nhằm khắc phục xu hướng lạm thu, tận thu, phí chồng phí.

Cởi trói phí từ con gà cho đến xe máy!

ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, hiện nay đang còn tồn tại nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý và không cần thiết gây khó khăn cho người dân và gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội: “Đơn cử như câu chuyện con gà từ lúc nuôi đến lúc giết thịt phải chịu 14 loại phí đã được Chủ tịch Quốc hội và các Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Tài chính ghi nhận tại phiên chất vấn là một minh chứng". Theo ĐB, cần loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Đặc biệt là những hộ nông dân ở các vùng nông thôn.
Trạm thu phí trên đường Võ Văn Kiệt, Hà Nội.	 Ảnh: Công Hùng
Trạm thu phí trên đường Võ Văn Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại câu chuyện thu phí sử dụng đường bộ với xe máy. Theo ĐB, khoản phí này không được người dân đồng tình, lại còn hội tụ cả những yếu tố như không hợp lý, thiếu công bằng, khó công khai minh bạch, khó hiểu, khó thực hiện trong thực tiễn và giờ chịu thêm phí đường bộ nữa thì không hợp lý. "Người dân hiện đã đóng quá nhiều khoản thuế, phí rồi. Nếu tiết kiệm và điều hành chi ngân sách hợp lý thì chắc chắn sẽ có khoản thu để bù đắp, đơn cử như hiện thu tài sản từ tham nhũng mới được 22%...  Khi kinh tế phát triển thì người dân cũng phải được hưởng lợi từ sự phát triển đó thì mới phấn khởi được, vì nói cho cùng, đường cũng là tiền đóng góp của người dân và Nhà nước bỏ ngân sách ra làm" - ĐB bày tỏ.
Trả lại phí nếu thu sai quy định
Liên quan đến quy định về những hành vi bị nghiêm cấm của Dự thảo luật, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, thực tế vẫn diễn ra những vi phạm là do chế tài chưa nghiêm. Do đó, Dự thảo luật cần quy định cơ quan tổ chức nào có quyền dừng thu các loại phí, trách nhiệm phải trả lại khoản phí thu sai, cá nhân vi phạm và đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định phải trả lại một phần phí nếu thu sai quy định và trả lại toàn bộ nếu khoản phí không có trong quy định.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, trong Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn cũng chỉ quy định mức thu tối đa, không quy định mức thu tối thiểu. "Điều đó có nghĩa HĐND cấp tỉnh, TP có quyền quyết định mức thu bằng 0, tức là không thu tiền. Tiền thu này dành để bảo trì cho đường địa phương bao gồm đường thôn, xã, huyện... chứ không phải để bảo trì đường quốc lộ. Còn chuyện địa phương để lầy lội đường thôn, xóm là trách nhiệm của địa phương, địa phương phải cân đối cho đầy đủ để có tiền làm con đường đó, công bằng giữa vùng này với vùng khác, đó là trách nhiệm của địa phương".

Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn "nếu có quy định mới và có mức thu bằng 0 thì tôi nghĩ nhất định HĐND TP sẽ quyết định mức thu bằng 0".

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong 27 tỉnh đã có ý kiến, 25 tỉnh đồng ý tiếp tục thu phí đường bộ với xe máy nhưng đề nghị có chế tài xử phạt. Bộ đang tiếp tục lấy ý kiến của các tỉnh, TP để tập hợp, báo cáo Chính  phủ quyết định có tiếp tục thu hay không loại phí này.

Vì sao viện phí, học phí sang cơ chế giá?

Một trong những nguyên nhân đưa đến nguy cơ phí chồng phí trong Dự án Luật chính là do chưa làm rõ được khái niệm phí, lệ phí để tránh sự chồng chéo. ĐB Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên - Huế) phân tích: "Chúng ta còn lúng túng trong việc định nghĩa khái niệm về lệ phí nên dẫn đến trong thực tế quy định rất nhiều cái chồng lên nhau. Cụ thể như khái niệm về phí, lệ phí, dịch vụ công, giá dịch vụ dẫn đến chưa rõ ràng trong phân loại giữa phí và lệ phí, giữa phí, lệ phí và giá dịch vụ… Đây là những vấn đề mà Ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ hơn để hoàn thiện Dự án Luật”, đồng thời góp ý, học phí, viện phí có nên chuyển sang cơ chế giá?

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Dự thảo Luật không điều chỉnh một số khoản phí như học phí với lý do đã được quy định ở luật khác và trả theo cơ chế giá dịch vụ của thị trường là không phù hợp. ĐB Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) phát biểu, hiện nay có tới 15.000 giá dịch vụ y tế, do đó Dự thảo cần ban hành nhóm lại chỉ nên từ 300 - 400 danh mục, trong đó nêu rõ Nhà nước bao cấp cái gì: "Nếu dự thảo quy định viện phí theo cơ chế giá thì cần có chương riêng quy định mức thu, mức đóng cụ thể vì hiện nay vấn đề này tại mỗi bệnh viện rất phức tạp, có bệnh viện thu chung nhưng có bệnh viện khoán cho từng khoa. Do đó, nếu chúng ta quyết tâm thay đổi việc này thì cần ban hành riêng một chương, trong đó quy định cụ thể từng mức thu, khi yêu cầu thực tế cần phải thay đổi các mức này, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành mức thu mới".

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình khi chuyển viện phí, học phí sang cơ chế giá để viện phí, học phí không trở thành gánh nặng cho người dân, đảm bảo mọi trẻ em được đến trường.

Dự kiến, tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét Dự án Luật phí, lệ phí.
Cũng trong sáng qua, với đa số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2016. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 11 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2016, Quốc hội sẽ không chất vấn các thành viên Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và việc giải quyết các kiến nghị của cử tri như mọi kỳ họp khác. Thay vào đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.