Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TS Nguyễn Trí Hiếu:

Nên kéo dài thời gian cho doanh nghiệp vay gói hỗ trợ lãi suất 2%

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Các ngân hàng đang rầm rộ công bố về cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy vậy, các DN lại lo ngại khó tiếp cận gói hỗ trợ này. Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, từ nay đến cuối năm giải ngân nhiều lắm cũng chỉ được 10-20%.

Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu.
Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu.

Ngân hàng quyết không hạ chuẩn

Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thực hiện; một số ngân hàng thương mại bắt đầu đăng ký hạn mức chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ gói ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng để triển khai tới khách hàng. Tuy vậy các DN đều cho rằng rất khó tiếp cận. Vì sao vậy thưa ông?

- Có một số điểm hạn chế việc ngân hàng cho vay với gói hỗ trợ này. Hiện tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đã lên tới 8,16%, rất cao. Nhiều ngân hàng có thể đã sử dụng hết room tín dụng rồi. Họ có quảng cáo rầm rộ thì họ cũng chẳng giải ngân được.

Cản trở thứ hai là các thủ tục hành chính, các ngân hàng vẫn giữ chuẩn mực là cho vay an toàn. Nên những đối tượng của chương trình (các DN, HTX, hộ kinh doanh thuộc 11 nhóm ngành nghề chính) thường là các DN nhỏ và vừa, yếu kém thua lỗ, không có tài sản bảo đảm.

Thành ra ngân hàng có nói gì thì hồ sơ của những DN này không đủ điều kiện đều không thể cho vay được. Các tiêu chuẩn gói vay này còn khắt khe hơn trước, khi thời điểm này các ngân hàng đang siết tín dụng.

Gói cho vay này là gói cho vay từ ngân sách nhà nước (NSNN) bù lãi 2%, chính vì thế trong gói này nếu ngân hàng xét hồ sơ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn cho vay, cuối cùng trở thành nợ mất vốn, nợ nhiều rủi ro thì họ phải chịu trách nhiệm.

Trong thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm, với điều kiện cứng như hiện nay, nói là cứng nhưng có vô tình dẫn tới tình trạng xin - cho hay không thưa ông. Nhiều ý kiến lo chảy vào lĩnh vực rủi ro?

- Điều đó rất có thể xảy ra. Về lợi nhuận, những ngân hàng cho vay gói hỗ trợ này họ phải cho vay lãi suất thấp. Nếu cùng một số tiền như thế họ tìm được khách hàng cho vay lãi cao hơn tội gì họ dùng gói này cho vay với lãi suất thấp.

Cho đến thời điểm này gói cho vay này vẫn ở giai đoạn khởi đầu, chưa có nhiều ngân hàng triển khai gói này. Chưa biết các ngân hàng triển khai như nào và NHNN phân bổ cho họ ra sao. Cũng chưa có con số thống kê công bố cho vay giải ngân được bao nhiêu.

Nhưng tôi đề nghị để công bằng, nên phân bổ cho tất cả các ngân hàng chứ không phải chỉ những ngân hàng lớn, mạnh hay ngân hàng chính sách được hưởng. Nên chia đồng đều cho các ngân hàng dựa theo dư nợ tín dụng của họ trên tổng dư nợ của hệ thống.

Để các DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận cần phải có quy chế riêng cho gói này. Tức là những tiêu chí mà nội bộ các ngân hàng đưa ra cho vay phải được NHNN ban hành trên cơ sở những tiêu chí này để xét duyệt hồ sơ cho các DN nhỏ và vừa, yếu kém.

Chứ không thì gói này cũng chỉ đến tay những DN lớn, khách hàng sộp của ngân hàng thôi. NHNN nên có cơ chế đưa ra những tiêu chí cho vay rất khách quan và các ngân hàng cứ theo các tiêu chí đó chứ không thể để cho các ngân hàng tự chủ động cho vay.

Các ngân hàng cho hay đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra các thủ tục DN cần có để giải ngân thế nào vẫn đang chờ hướng dẫn từ NHNN. NHNN cần có quy định ra sao để đúng đối tượng mà nguồn vốn chảy vào đúng nơi cần?

- Các tiêu chuẩn vay như: Không có nợ xấu, hai là phải có doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản bảo đảm… cần sẽ phải hạ thấp hơn những tiêu chuẩn thông thường. Nếu không cũng chỉ DN lớn vay được và loại bỏ đi rất nhiều DN yếu, mà đúng ra họ là những đối tượng cần được cho vay.

Chưa kể gói hỗ trợ này không chỉ để giúp DN, mà còn tạo điều kiện cho các DN nhỏ không có khả năng trả lãi suất cao vay được, nên bây giờ Chính phủ bù trả giúp cho các DN 2%. Chính vì là DN yếu nên tiêu chuẩn cho vay cũng phải hạ xuống. NHNN phải đưa ra các chuẩn mực cho vay.

Chẳng hạn như các chỉ tiêu về tài chính, rồi những DN nào có thể được ưu tiên. Đặc biệt là vấn đề tài sản bảo đảm. Gói này có thể được cho vay dưới hình thức tín chấp hay không? Và nếu vay tín chấp thì đưa ra những tiêu chuẩn nào. Có nhiều DN đang còn có khoản vay đang phải hoãn giãn, chưa phải trả nợ và không có tài sản đảm bảo thêm nữa để thế chấp. Nhưng những DN này có phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi thì ra sao…

NHNN phải đưa ra tiêu chí, chứ các ngân hàng họ sợ, nếu không sẽ bị trách nhiệm ngay. Chính vì thế chả tội gì họ không chọn DN lớn để cho vay còn những DN nhỏ ngoài kia sẽ không được tạo điều kiện.

Các ngân hàng đang rầm rộ công bố về cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh minh họa.
Các ngân hàng đang rầm rộ công bố về cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh minh họa.

Kéo dài thời gian hỗ trợ, thêm nhiều kênh để doanh nghiệp tiếp cận vốn

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian hỗ trợ 2 năm là quá ngắn, đặc biệt với lĩnh vực đầu tư nhà ở. Và để gói hỗ trợ này không còn nằm trên giấy, cần xem xét kéo dài thời gian thực thi cũng như cắt giảm các thủ tục “làm khó” DN. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi đồng tình nên kéo dài thời gian gói này. Và có những chuẩn mực riêng để các DNNVV, DN yếu kém nhưng tất nhiên là có khả năng phục hồi, khả năng trả nợ… có thể vay được.

Trả nợ đó từ đâu, từ hàng tồn kho bán ra ngoài, hay từ lợi nhuận của DN. DN đi vay phải định lượng được vấn đề này. Và ngân hàng kiểm soát được. Nếu vay cho một dự án, các DN phải đảm bảo ngân hàng kiểm soát dòng vốn đi từ dự án đó. Hoặc khi bán hàng ra tiền vào tài khoản nào, và nguồn đó phải trả nợ. Và không được để sử dụng sai mục đích, phải cho ngân hàng kiểm soát được. DN phải chứng minh được sử dụng dòng vốn, dòng tiền trả nợ.

Không chỉ riêng gói hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nay các DN gặp rất nhiều khó khăn vay vốn ngân hàng. Do đó, với những DN này thì làm cách nào để tiếp cận được nguồn vốn?

- Tôi cho rằng vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng đảm bảo cho các DN. Khi ngân hàng lắc đầu thì DN chạy đến Quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ bảo lãnh tín dụng xét hồ sơ xong sẽ bảo lãnh cho DN vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, hiện nay, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vốn rất mỏng, tùy thuộc vào ngân sách từng địa phương. Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, thực tế quy mô của Quỹ bảo lãnh tín dụng hầu hết còn nhỏ do nhiều địa phương chưa có nguồn lực để bố trí vốn điều lệ cho quỹ. Do đó, cần nâng cao năng lực về cả nguồn nhân lực, tài chính công nghệ của các quỹ này. Ngoài ra, rất cần có Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, để tiếp sức cho DN phục hồi.

Một chương trình có thể áp dụng ở đây là bảo lãnh tín dụng. Việc hỗ trợ lãi suất trực tiếp bằng ngân sách đang được NHNN thực hiện, nhưng không chỉ mỗi ngành ngân hàng, để cứu và thúc đẩy DN phát triển, lúc này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành, các địa phương.

Quay trở lại gói hỗ trợ lãi suất 2%, khi triển khai có tác động gì đến lạm phát hay không, NHNN cũng đang lo về vấn đề lạm phát và cân nhắc việc nới room cho các ngân hàng. Việc cấp room này thực hiện thế nào?

- Gói 40.000 tỷ đồng này nếu hỗ trợ tác động của nó đến lạm phát không lớn. Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022 - 2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm. Đó là nói giải ngân toàn bộ. Gói này đã nói từ năm ngoái, lâu rồi chứ không phải bây giờ. Cho đến giờ này mới chỉ giai đoạn đăng ký. Từ thời điểm đăng ký cho đến sử dụng hoàn toàn gói hỗ trợ thì xa vời lắm.

Với tình hình hiện nay, tôi nghĩ đến cuối năm nay, giải ngân nhiều lắm chỉ được 10 - 20%. Cái mà lo ngại là các DN cho vay quá lớn. Bên cạnh gói này, tổng dư nợ đã tăng 8,16%. Từ nay đến cuối năm sẽ dùng hết 14% và sẽ có nhiều ngân hàng được nới room. Thành ra, không thể vì gói này mà lạm phát bị tác động mạnh. Chưa kể các yếu tố về giá cả và chuỗi cung ứng là yếu tố rất mạnh gây ra lạm phát.

Xin cảm ơn ông!

 

Gói hỗ trợ lãi suất là một trong những nội dung thuộc các gói chính sách tài khóa tiền tệ thể hiện tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ban hành đầu năm 2022.

Theo đó, Chính phủ hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Những khoản vay bằng VNĐ đã ký hợp đồng và giải ngân từ ngày 1/1 năm nay đến hết 31/12/2023 và chưa được hỗ trợ lãi suất từ NSNN của các chính sách khác mới được giảm 2% lãi suất chương trình này. Đến kỳ trả nợ lãi, ngân hàng sẽ giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.