Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 20/5, báo cáo trước Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Nền kinh tế mặc dù có tăng trưởng, những vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 
Theo báo cáo của Chính phủ, phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng.
 
Tuy nhiên, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước không đạt kế hoạch đề ra. Nợ xấu còn cao, việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế triển khai chậm. Sản xuất công nghiệp còn chủ yếu tập trung vào sản phẩm gia công, giá trị gia tăng thấp. Phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Nhiều lao động còn thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, người lao động ở khu vực phi chính thức tăng. Tai nạn giao thông có giảm nhưng còn ở mức cao. Tình trạng khiếu kiện, tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng còn diễn biến phức tạp.
 
Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013, sáng 20/5. Ảnh: Chinhphu.vn
 
Đánh giá về kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tăng trưởng GDP quý I năm 2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%). Lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Sau 7 tháng tăng liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 đã giảm 0,19% so với tháng trước, sang tháng 4/2013 CPI tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Tính bình quân, chỉ số giá 4 tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2012. So với tháng 12/2012, chỉ số giá vàng tháng 4/2013 giảm 7,17%, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2013 tăng 0,37%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 39,14 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2013, có 16.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 16,9%. Đồng thời, trong 4 tháng đầu năm có 8.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2012 đã hoạt động trở lại. Nền kinh tế vẫn được đánh giá còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn rất nhiều khó khăn.
 
Chính phủ cũng đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế xã hội trong những tháng tới. Trong đó nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế. Khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào triển vọng đầu tư, kinh doanh... Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến những giải pháp Chính phủ sẽ tập trung trong thời gian tới như: Điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Tăng cung tín dụng để góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế, điều hành ở mức tăng 12% cả năm 2013; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; phấn đấu giữ bội chi ngân sách như đã được Quốc hội thông qua (4,8% GDP). Triển khai thực hiện Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013-2015. Thu hồi các khoản vốn, kinh phí đã giao dự toán nhưng đến hết 30/6/2013 các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết. Tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi công tác trong và nước ngoài...