Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền kinh tế Việt Nam 2009: Con số khích lệ và bài học đồng lòng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2010 với mức tăng trưởng GDP cao hơn, 5 bài học kinh nghiệm lớn cho các năm sau đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút ra từ những thành quả và hạn chế của nền kinh tế trong năm 2009.

KTĐT - Để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2010 với mức tăng trưởng GDP cao hơn và mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát cao quay trở lại, 5 bài học kinh nghiệm lớn cho các năm sau đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút ra từ những thành quả và hạn chế của nền kinh tế trong năm 2009.

Với xu thế phục hồi ngày càng rõ nét của sản xuất kinh doanh và thị trong nước trong những tháng cuối năm, các chuyên gia khẳng định tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 tăng 5,2% so với năm 2008 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo có thể trở thành hiện thực.

Đây là hiệu quả tích cực của các biện pháp kích thích kinh tế đã được Chính phủ quyết liệt thực thi từ đầu năm đến nay.

Tuy tốc độ tăng trưởng này là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong đó kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên rơi xuống tăng trưởng âm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp hơn nhiều so với năm 2008... nhưng đây vẫn là một thành quả đáng khích lệ trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu.

Chống chọi trên mặt bằng tăng trưởng âm

Vào quý I/2009, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã từ mức 6,8% đạt được của năm 2008 rơi xuống chỉ còn 3,1%. Tuy nhiên, chưa một nhận định nào lúc đó cho rằng đã đến đáy suy giảm, nhất là khi các nền kinh tế trên thế giới hầu như trong tình trạng tăng trưởng âm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã từng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới là âm 1,4%, trong đó các nước phát triển là âm 3,8% (mức dự báo gần đây là âm 1,1% và âm 3,4%).

Các chuyên gia nước ngoài tuy xếp Việt Nam nằm trong nhóm nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương nhưng đã cảnh báo về độ trễ tác động của khủng hoảng kinh tế tới Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế: Tăng trưởng GDP cơ bản là 4,69%, lạc quan là 5,56%, bi quan là 3,39%; chỉ số lạm phát tương ứng với 3 kịch bản lần lượt là: 9,4%,8,9%,8,2%; tốc độ tăng xuất khẩu tương ứng là: -12,2%, -7,2%, -25,5%.

Thế nhưng, dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng của Việt Nam còn thấp hơn nữa so với kịch bản bi quan CIEM đưa ra. Có thể nói, các dự báo đều cho rằng năm 2009, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp, lạm phát cao (một phần do tác động của việc thực thi các chính sách kích cầu của Chính phủ) và thâm thụt ngân sách ở mức tương đối lớn.

Ngay cả kịch bản lạc quan thì nền kinh tế cũng chỉ tăng khoảng 5,56% trong khi mức thâm thụt ngân sách lên đến trên 9,4% GDP…

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6,8% xuống 5%, kim ngạch xuất khẩu 3%, chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%, bội chi ngân sách không qúa 7% GDP.

Với mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững , giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội... Chính phủ đã triển khai quyết liệt các biện pháp kích thích kinh tế, trị giá lên tới 10% GDP.

Hàng loạt các chính sách cụ thể đã được Chính phủ ban hành bao gồm hỗ trợ lãi suất tín dụng, miễn giảm thuế, khuyến khích xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, các biện pháp an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân...

Với sự phát huy của các chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế đã chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2009.

Tốc độ tăng trưởng GDP đã lên 4,5% trong quý II, 5,76% trong quý III, dự kiến sẽ tăng lên 6,8% trong quý IV.

Ước thực hiện các chỉ tiêu cả năm 2009 là GDP tăng 5,2% (vượt 0,2% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra); trong đó nông lâm thủy sản đạt 1,9%, công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 5,4%, khu vực dịch vụ đạt 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 56,5 tỷ đồng, giảm 9,9%; vốn thực hiện đầu tư toàn xã tăng 16% và bằng 42,2% GDP; chỉ số tăng giá tiêu dùng 7%; bội chi ngân sách 6,9%.

Như vậy, có tới 18/25 chỉ tiêu 2009 đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra.

Các chuyên gia kinh tế nói rằng với những nỗ lực của mình, Việt Nam là một trong những nước sớm nhất vượt qua đáy suy giảm, duy trì được tăng trưởng dương trong suốt năm với tốc độ hợp lý.

So với dự báo của CIEM, các chỉ số về tốc độ tăng trưởng GDP, xuất khẩu cả năm và chỉ số tăng giá tiêu dùng đều đã tiệp cận với kịch bản lạc quan. Hiện, Việt Nam là nước đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực ASEAN, đồng thời cũng nhằm trong nhóm trên 10 nước có tăng trưởng dương trong năm 2009.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng tháng 11 tăng cao đáng kể so với những tháng trước đang cảnh báo nguy cơ lạm phát cao quay trở lại. Đây là thách thức lớn cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2010.

Bài học từ cuộc chiến chống suy giảm

Để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2010 với mức tăng trưởng GDP cao hơn và mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát cao quay trở lại, 5 bài học kinh nghiệm lớn cho các năm sau đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút ra từ những thành quả và hạn chế của nền kinh tế trong năm 2009.

Bài học trước hết là chủ động trong công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới tác động đến sự phát triển của nền kinh tế; kịp thời đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp, sớm đi vào cuộc sống và bảo đảm phát huy tác dụng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây không chỉ là bài học kinh nghiệm mà còn là một yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi các ngành, các cấp phải nỗ lực phấn đấu, không ngừng nâng cao trong thời gian tới.

Bài học tiếp theo là bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về thu chi ngân sách, tiền tệ, tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế, kiềm chế lạm phát. Đây là điều kiện cơ bản để thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, hệ thống tài chính và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì việc ổn định kinh tế vĩ mô càng có ý nghĩa quan trọng.

Gắn các giải pháp chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế với việc bảo đảm an sinh xã hội cũng là một bài học được nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và ảnh hưởng của suy giảm kinh tế... đã góp phần quan trọng vào ổn định đời sống nhân dân, ổn định trật tự xã hội, nhất là ở địa bàn nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2009 chỉ còn 11%, giảm 1% so với chỉ tiêu đề ra.

Bài học cuối cùng không thể thiếu, đó là bài học về thông tin, tuyên truyền. Các nhà kế hoạch nhấn mạnh việc phổ biến, quán triệt và hướng dẫn thực hiện chính sách sẽ làm cho dân biết, dân chia sẻ khó khăn và chung sức, chung lòng, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách, kế hoạch phát triển./.