Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền kinh tế Việt Nam không lệ thuộc bất cứ nước nào

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong đó, giải pháp nào của Chính phủ để xây dựng nền kinh tế tự chủ là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.

Thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế

Mở đầu phần chất vấn, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) đặt vấn đề: Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào "người láng giềng to người nhưng xấu bụng" và hỏi Phó Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp đột phá gì để tránh lệ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào? Khẳng định hiện tại nền kinh tế Việt Nam không lệ thuộc bất cứ nước nào, Phó Thủ tướng cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong một thế giới phẳng chắc không có nền kinh tế nào độc lập một cách hoàn toàn. Việt Nam đang có thế mạnh thu hút đầu tư nên thời gian tới cần phát huy ưu thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế. Để đảm bảo đủ hấp thu nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Việt Nam chủ trương mở rộng đa dạng hóa thị trường, cả nhập khẩu và xuất khẩu. "Việt Nam có 6 Hiệp định thương mại tự do lớn, cả đơn phương và đa phương, đặc biệt là hiệp định với các nước ASEAN, nước lớn. Dự kiến, năm 2015 Việt Nam có 16 AFTA với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra không gian lớn cho thương mại phát triển" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.           Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
 
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền về việc lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời. Hiện tại Bình Dương, tỉnh thiệt hại nặng nề nhất thì thông tin mới đây là 100% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động. Chính phủ cam kết không để tình trạng như đã xảy ra tái diễn ở các địa phương. Các lực lượng chức năng phải nắm bắt tình hình kịp thời để xử lý những tình huống đã diễn tập triển khai.

Đưa ra vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đồng tình không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế, nhưng cần điều chỉnh giải pháp và cũng hỏi "Chính phủ có chiến lược gì đột phá hơn để thoát cảnh lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, công nghệ từ Trung Quốc, để tự cường về kinh tế". Đồng thời, ĐB góp ý Chính phủ cần có đề án về sử dụng nguồn tiền đến 600.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa doanh nghiệp, tránh lãng phí, có thể chuyển nguồn sang dùng cho đầu tư ngư dân không? Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng yếu được giao chứ không chỉ vì sự kiện Trung Quốc xâm lấn trên Biển Đông mới đặt ra. Trong bối cảnh hiện nay cần đẩy nhanh tái cơ cấu ở tất cả các cấp độ, quốc gia, vùng, doanh nghiệp, sản phẩm. Tái cơ cấu đụng chạm đến lợi ích của nhiều người nên có thể bị phản ứng, phải quyết tâm vì việc này mang lại lợi ích toàn diện cho nền kinh tế. Vấn đề cơ bản nhất là tháo gỡ về thể chế và nguồn nhân lực. Đồng thời tiếp thu góp ý của ĐB Trần Du Lịch để báo cáo Thủ tướng xây dựng đề án phù hợp. 

Bày tỏ sự tán thành với chiến lược đấu tranh với Trung Quốc của Chính phủ, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng thời điểm này "trong cái rủi có cái may". Hiện, cờ Tổ quốc đang tung bay khắp thế giới, thể hiện chính nghĩa của Việt Nam, Chính phủ làm để biến thách thức thành cơ hội, thu hút nhà đầu tư, khách du lịch… Cho rằng đây là vấn đề lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu: Việt Nam đã tiến hành mọi biện pháp đấu tranh qua đường ngoại giao cũng như trên thực địa và tiếp tục tính toán các giải pháp khác. Tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, coi quyền lợi của nhà đầu tư như quyền lợi của chính bản thân mình. Muốn thu hút, đưa thêm khách du lịch đến Việt Nam thì cũng phải tăng cường hình ảnh Việt Nam thân thiện, an toàn tới toàn thế giới. 

Trật tự xã hội chưa thể an tâm

Đưa ra nhận định trong báo cáo của Chính phủ về tình hình an ninh trật tự xã hội chưa thể an tâm, tham nhũng chưa thể đẩy lùi, ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Đây là những hiện thực gây bức xúc, bất an trong nhân dân. Được giao phụ trách những lĩnh vực trọng chốt này, Phó Thủ tướng có giải pháp gì để củng cố lòng tin trong nhân dân. 

Thừa nhận tình hình trật tự xã hội đang diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm dạng băng nhóm, tội phạm buôn bán người…, Phó Thủ tướng cho biết một nguyên tắc được nhấn mạnh là công việc phải do cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không thể "khoán" cho riêng ngành Công an. Quan điểm là đánh mạnh, đánh trúng, đánh kiên quyết vào tội phạm. Nhất là quy trách nhiệm cho lãnh đạo tỉnh, nơi nào tội phạm hoành hành, nơi đó Chủ tịch tỉnh phải có trách nhiệm.