Nên luật hóa ngành nghề cấm kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến (tỉnh Hà Nam) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Sáng 17/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, quy định ngành nghề cấm kinh doanh nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu (ĐB) Quốc hội.

 
Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến (tỉnh Hà Nam) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến (tỉnh Hà Nam) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Một trong những thay đổi quan trọng trong Dự Luật là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp (DN) trên nguyên tắc DN được quyền chủ động kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Tuy nhiên, ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng: Ngành nghề cấm kinh doanh nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội và quy định ngay trong Dự Luật nhằm tránh sự tùy tiện trong các văn bản hướng dẫn khác. Riêng ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể giao cho Chính phủ quy định nhưng danh mục này phải đảm bảo tính ổn định lâu dài, không nên rà soát hàng năm như Dự thảo quy định. ĐB Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cũng đề nghị: Quốc hội nên định kỳ hàng năm giám sát danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện để bãi bỏ các nội dung không phù hợp.

Khẳng định về sự cần thiết phải ban hành danh mục bị cấm, kinh doanh có điều kiện kèm theo luật đúng như tinh thần của Hiến pháp, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh: Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế theo luật. Và định kỳ Chính phủ sửa đổi bổ sung trình danh mục ra Quốc hội và Quốc hội thực hiện việc điều chỉnh để bảo đảm phù hợp Hiến pháp và tránh thường xuyên điều chỉnh ngành nghề cấm kinh doanh, tránh xáo trộn, hạn chế thu hút đầu tư.

Một số ĐB khác đồng tình với quan điểm trao quyền tự do trong kinh doanh cho DN, nhưng lại cho rằng chỉ nên quy định về nguyên tắc các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện trong Dự Luật, còn danh mục cụ thể do Chính phủ quy định và hàng năm Chính phủ tiến hành rà soát, bãi bỏ các nội dung không phù hợp. Điều này sẽ tạo sự linh hoạt trong danh mục này. Có ý kiến góp ý, việc lập danh mục này nên giao cho Bộ KH&ĐT để có sự linh hoạt hơn. ĐB Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) đề nghị thêm, với những lĩnh vực cấm kinh doanh, cần có lộ trình để giúp DN có điều kiện chuyển đổi kinh doanh.

Liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập DN, nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chặt chẽ. ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng: Phải luật hóa các quy định về chế độ hậu kiểm, quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của DN không bị lợi dụng, bảo đảm các DN đăng ký là để kinh doanh chứ không phải DN ma, lập ra để mua bán hóa đơn, để lừa đảo. "Nhất định không để tình trạng cơ quan Nhà nước và xã hội không biết DN đăng ký kinh doanh hoạt động như thế nào, còn hay mất" - ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Một số ý kiến đề nghị giữ quy định về ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN để phục vụ cho công tác hậu kiểm, để DN có cơ sở chứng minh hoạt động của mình, ngăn ngừa phát triển lợi ích nhóm. Đồng thời, đề nghị xác định rõ phạm vi, tránh chồng chéo giữa Dự Luật với các luật khác.

Đa số các ĐB đều đồng tình với việc không cần thiết phải đưa một chương riêng về DN Nhà nước như trong Dự Luật. Bởi điều này sẽ tạo cho các thành phần DN khác có cảm giác bị phân biệt đối xử. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên đưa các quy định về DN Nhà nước vào Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đang được Quốc hội cho ý kiến.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Việc sửa đổi lần này có mục đích kéo dài thời gian làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với những người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều ĐB Quốc hội cho rằng, Dự Luật không nên quy định một thời gian cụ thể, để tránh việc thiếu khả thi.

Cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.
Sáng 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015. Trong đó, quy định về các trường hợp phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải đăng ký lại; điều kiện hoạt động của phương tiện, quy định về thuyền trưởng, tìm kiếm cứu nạn… Đồng thời bổ sung quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và trên vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.