KTĐT - Cả tuần nay, nhà bà Hứa Thị Lợi (ở tổ 15, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng) thành tâm điểm trong nhiều câu chuyện của người dân khu Trại Lẻ vì nền nhà bà Lợi tự dưng nóng lên bất thường.
Chiều qua, PV có mặt tại nhà riêng bà Hứa Thị Lợi. Bà cụ và hàng xóm kể lại, gia đình bà Lợi mới xây nhà ở từ năm 2006.
Sáng 1-12, bà Lợi ngủ dậy từ tầng hai bước xuống nền nhà tầng 1 bỗng phát hoảng vì nền nhà nóng bất thường. Một ngày sau thì chỗ nền nhà nóng nguội dần.
Sáng 6-12 khi ngủ dậy, người nhà bà Lợi lại tá hỏa nền nhà tầng một lại nóng ran. Khu vực nền nhà nóng chỉ rộng hơn một mét vuông nằm ngay dưới chân cầu thang.
Lo lắng vì sự nóng bất thường này của nền nhà, gia đình bà Hứa Thị Lợi vội nhờ cán bộ Sở KH&CN, TN&MT Hải Phòng đến kiểm tra giúp.
Hai tiếng sau khi phát hiện nền nhà nóng lên bất thường, đoàn cán bộ của các cơ quan chức năng Hải Phòng có mặt tại nhà bà Lợi tiến hành kiểm tra.
Kết quả ban đầu chỗ nền nhà nóng tới 80 độ C nhưng không có khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe. Sự cố nền nhà nhà bà Lợi nóng lên bất thường chưa từng xảy ra ở khu vực dân cư đang sinh sống này.
Người dân trong khu vực và gia đình bà Lợi mong muốn các cơ quan khoa học kiểm tra, lý giải giúp sự cố để giải tỏa tâm lý lo lắng, bớt hoang mang do những câu chuyện thêu dệt xung quanh việc nền nhà nóng này.
Không khó tìm ra nguyên nhân
Theo các nhà khoa học, hiện tượng nền nhà nóng lên ở Hải Phòng không phải là chuyện hiếm gặp, cũng không có gì kỳ bí. Nhiều trường hợp như vậy đã xác định được nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Một cán bộ Viện Địa chất (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, nóng nền nhà có nhiều nguyên nhân. Có thể do dưới nền đất có nguồn nước khoáng nóng. Trước đây chưa thấy có hiện tượng nóng nền nhà, nhưng nay lại nóng là do ở một điều kiện nào đó, có thể do nứt đất, nguồn nước khoáng nóng thấm lên.
Nguyên nhân nữa có thể do quá trình nứt đất, ở dưới lòng đất có nguồn nhiệt độ cao, khí bốc lên cao gây nóng nền nhà.
Trong nhiều trường hợp, phải xác định cụ thể mức độ nguy hiểm. Nếu cần thiết phải di dời hẳn khỏi khu vực. Trong trường hợp có nguồn nước nóng ngầm, có thể áp suất cao làm bục túi nước, nước tràn lên rất nguy hiểm, v.v…
Theo PGS - TS Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Bảo vệ Môi trường, thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, đồng thời là Tổng thư ký Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, trung tâm của ông từng xử lý hai trường hợp tương tự ở Hà Nội.
Một trường hợp xảy ra ngay trong Bộ Thủy sản (cũ). Sau một tuần vừa kết hợp đào xới, vừa đo đạc bằng máy móc, các cán bộ mới tìm ra nguyên nhân gây nóng nền nhà là do ở dưới có đường cáp điện bị chập. Cách khắc phục là cắt nguồn điện qua cáp này.
Một trường hợp khác là tại một nhà dân ở gần phố Phan Đình Phùng. Sàn bếp của nhà này nóng tới 70 độ. Khảo sát cho thấy ở dưới nền đất khu vực này, trước kia người Pháp đào hố tôi vôi, sau lấp đi. Nay nhà hàng xóm đào móng, nước ngấm sang làm cho vôi nở ra, tỏa nhiệt.
Ở trường hợp này, sau một thời gian, vôi tự nguội nên không cần phải áp dụng biện pháp khắc phục nào.
Theo TS Lâm, một số trường hợp nền đất nóng lên còn do ở tầng sâu có thấu kính bùn, chứa khí metan, gặp điều kiện thuận lợi khí này cháy ngầm, tỏa nhiệt gây nóng.
“Tùy từng trường hợp mà có cách xử lý khác nhau. Đối với trường hợp ở Hải Phòng, cần phải xem xét, đo đạc cụ thể mới phát hiện được. Một số trường hợp nếu nóng nền đất do nguyên nhân nội sinh bên trong vỏ trái đất thì có thể phải di dời”.