Nên nhân rộng các mô hình trông giữ xe miễn phí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Hà Nội vừa phối hợp với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP tiến hành khảo sát việc thực hiện thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trong dịp lễ, Tết Xuân Bính Thân 2016 tại một số điểm danh thắng, di tích, tôn giáo tại một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ...

Đoàn viên thanh niên Công an TP và quận Tây Hồ chốt trực giữ an ninh trật tự tại Phủ Tây Hồ.
Đoàn viên thanh niên Công an TP và quận Tây Hồ chốt trực giữ an ninh trật tự tại Phủ Tây Hồ.
Kết quả khảo sát của các Ban cho thấy, tình hình trông giữ phương tiện trong dịp lễ, Tết trên địa bàn đã có một số chuyển biến tích cực so với các năm trước. Đơn vị quản lý, đơn vị được giao thu phí đã cơ bản thực hiện đúng các quy định của TP như: Bố trí điểm đỗ, trông giữ phương tiện; một số điểm được cấp phép trông giữ phương tiện và có biển báo niêm yết công khai mức thu phí; phát biên lai khi thu phí theo quy định... Đoàn khảo sát cũng đánh giá cao quận Tây Hồ đã đổi mới mô hình trông giữ phương tiện tại Phủ Tây Hồ, trong đó có việc giao đoàn viên thanh niên phối hợp với lực lượng công an hướng dẫn người dân gửi xe tại nơi quy định và trông giữ không thu tiền; quận Ba Đình giao đoàn viên thanh niên trông giữ xe đạp, xe máy và thu tiền đúng quy định tại Đền Quán Thánh.

Tuy nhiên, qua khảo sát, Đoàn cũng chỉ ra những hạn chế như: Vẫn còn tình trạng một số điểm trông giữ xe tự phát, không được cấp phép theo quy định, thu phí trông giữ cao hơn quy định (gần khu vực đền Quán Thánh – quận Ba Đình, Đền Và (thị xã Sơn Tây), chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) và chưa được cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Nhiều điểm thu không phát hành biên lai hoặc phát hành biên lai không đúng quy định khi thu tiền trông giữ phương tiện (trông giữ ô tô tại đền Quán Thánh, Đền Và, Chùa Mía tại Làng cổ Đường Lâm, trông giữ xe máy tại Chùa Quán Sứ...). Cùng với đó, vi phạm quy định niêm yết công khai diễn ra phổ biến như chưa có biển báo, hoặc có biển báo nhưng chưa đúng quy định tại điểm trông giữ phương tiện (biển tự viết để không đúng nơi quy định, không có tên đơn vị được cấp phép trông giữ, không công khai mức phí...). Có địa phương giao khoán “trắng” cho đơn vị tư nhân hoặc cá nhân tổ chức trông giữ phương tiện, thiếu sự kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở, địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

Từ thực tế này, Đoàn khảo sát đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành, các cấp xử lý, chấn chỉnh ngay vi phạm và tăng cường kiểm tra, tái kiểm tra các điểm di tích, danh thắng, tôn giáo, khu vui chơi trên địa bàn theo đúng quy định. Chỉ đạo nhân rộng mô hình trông giữ xe miễn phí, trông giữ xe đúng quy định của quận Tây Hồ và quận Ba Đình, nhất là tại các điểm có đông du khách, người dân đến tham quan... Hai Ban cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu, đề xuất bố trí các điểm trông giữ phương tiện hợp lý để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong dịp lễ, Tết, vừa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng như cảnh quan tại các điểm di tích, danh thắng; Tăng cường tuyên truyền để Nhân dân, các tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức trông giữ phương tiện, thu phí thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của TP, nhất là việc niêm yết công khai đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm, chỉ dẫn để người dân biết, tham gia giám sát.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần