Nên nhìn lại mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cộng đồng DN Việt đang như một đội thuyền thúng ra biển khơi để hội nhập" - câu nói ví von của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại một diễn đàn kinh tế diễn ra trong tuần qua khiến không ít người giật mình.

Không giật mình sao được, mặc dù kinh tế trong nước đã có những chuyển biến tích cực nhưng nếu đặt chung trong bối cảnh hội nhập vẫn còn rất nhiều điểm yếu cần khắc phục. Nhiều lĩnh vực còn rất chông chênh. Tình trạng nợ thuế quá lớn tới hơn 74.000 tỷ đồng như  cái "thước đo" sức khỏe của các DN hiện nay. Rồi câu chuyện bội chi do thu không đủ cho chi, thị trường nông sản xuất khẩu đang gặp không ít  khó khăn, ngành công nghiệp ô tô rơi vào bế tắc, công nghiệp hỗ trợ sau nhiều năm vẫn lẹt đẹt, kinh tế trong nước liên tục chịu những tác động tiêu cực trước biến động của kinh tế thế giới… Tất cả những thực trạng đó cho thấy nền kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững.

Trong khi DN trong nước kêu hết khó khăn này đến khó khăn kia. Nào là đầu vào tăng, hàng hóa khó tiêu thụ, khó cạnh tranh, vay vốn ngân hàng khó khăn, nào là sản xuất, kinh doanh chưa mở được lối ra, hàng xuất khẩu chịu không ít áp lực cạnh tranh, kiện chống bán phá giá… thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn cứ mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm lao động, tăng thêm vốn đầu tư. Nghĩa là các DN ngoại vẫn cứ làm ăn tăng trưởng ngay trên thị trường Việt, vẫn đang tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Nguy cơ các DN FDI  lấn át các DN trong nước đã có thể nhìn thấy rõ khi mà nhiều dự án đầu tư với số vốn cam kết lớn vẫn đang được triển khai, xuất khẩu hàng hóa từ khối DN này liên tục tăng, nhiều lĩnh vực, ngành hàng gia tăng việc góp vốn, liên doanh, mua bán sáp nhập…

Những thực tế trên đang đặt ra không ít áp lực đòi hỏi những thay đổi về môi trường kinh doanh, nhận thức của các cơ quan quản lý, DN trong nước. Chính vì thế, nếu không triển khai quyết liệt những yêu cầu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, kiên quyết rũ bỏ nhanh những thủ tục hành chính rườm rà, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và các DN… sẽ khó tránh khỏi nguy cơ "lép vế", thua ngay trên "sân nhà".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần