Trong khi, nam giới thường đến 40 - 45 tuổi mới bắt đầu giảm và từ từ... đến rất lâu sau đó. Thế nhưng, đủ điều kiện nuôi con, chăm con không phải là điều dễ dàng!
Buồng trứng phụ nữ suy giảm dần theo tuổi, đặc biệt giảm nhanh sau 35 tuổi. Sự suy giảm này là về cả số lượng và chất lượng, dẫn đến việc khó có thai ở phụ nữ lớn tuổi, và khi có thai tỷ lệ sẩy thai và các biến chứng trong khi có thai cũng tăng. Đồng thời các trẻ sinh ra từ các bà mẹ lớn tuổi cũng có nhiều bất thường hơn. Nhiều phụ nữ lớn tuổi phải xin noãn người khác để có thai.
Theo các chuyên gia, bé gái khi sinh ra có khoảng 1 triệu nang noãn; sau đó, nang noãn tự thoái hóa nên suy giảm dần. Đến tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu phóng noãn (rụng trứng) để bắt đầu kỳ kinh nguyệt. Mỗi tháng, khoảng 500 nang noãn sẽ ra khỏi kho chứa, nhưng chỉ có khoảng 1 nang noãn phát triển trưởng thành và rụng trứng. Nhiều nang noãn khác tiếp tục thoái hóa.
Vì vậy, theo thời gian, tới thời điểm mãn kinh (khoảng 50 tuổi), hai buồng trứng còn khoảng 1.000 nang noãn; số lượng trứng và chất lượng trứng giảm, tỷ lệ trứng bất thường tăng, không thể sử dụng. Tuổi tác gia tăng có thể kéo theo nguy cơ nhân xơ, lạc nội mạc tử cung, ảnh hưởng chuyện mang thai, sinh nở.
Mang thai 35 tuổi là thời điểm đánh dấu cột mốc tăng huyết áp thai kỳ. Tăng huyết áp, đái tháo đường thường tác động trực tiếp đến bánh nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển của thai nhi. Mẹ lớn tuổi còn kéo theo nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh cao hơn so với khi trẻ tuổi. Ở tuổi 20, tỷ lệ này khoảng 1/525, khoảng tuổi 30 là 1/385, lên 35 tuổi là 1/200 và 40 tuổi là 1/65.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ bẩm sinh không có nhiều nang noãn hoặc nang noãn có tốc độ thoái hóa nhanh và sớm hơn nên buồng trứng suy giảm sớm. Trong khi, ngành y học về sản phụ khoa cũng như nội tiết và hỗ trợ sinh sản chưa có cách làm tăng số lượng hoặc cải thiện chất lượng nang noãn.
Với sự phát triển của xã hội hiện nay, phụ nữ ngày càng có khuynh hướng trì hoãn việc có thai. Chị em dành thời gian tuổi trẻ (<30) cho học hành (đại học, sau đại học) và cho sự nghiệp (tìm việc làm, thu nhập, vị trí...), bên cạnh đó việc lập gia đình muộn cũng góp phần làm phụ nữ quyết định sinh con và mang thai ngày càng muộn hơn. Đến khi muốn có con, nhiều phụ nữ đã vào độ tuổi mà việc có con trở nên khó khăn. Đây là một xu hướng của xã hội hiện đại, không chỉ ở Việt Nam.
Do vậy, dù sinh tự nhiên hay dùng phương pháp trữ noãn trứng đông lạnh, phụ nữ sinh con đầu lòng cũng nên trước 30 tuổi.