Ý nghĩa của lễ tạ mộ cuối năm
Lễ tạ mộ, tạ ơn gia tiên cuối năm còn nhằm tỏ lòng cảm tạ các vị thần linh đã cho gia tiên được nương nhờ đất đó, giúp gia tiên an lạc và phù hộ cho con cháu trong gia đình suốt năm.
Tạ mộ là tạ ơn tôn thần cai quản tại khu mộ của gia đình đã phù trì cho linh cốt, vong linh gia tiên được bền vững, an ổn nên cuối năm chúng ta lễ tạ để bày tỏ lòng tôn kính.
Vào tháng cuối năm, theo phong tục truyền thống, mọi gia đình người Việt thường ra mộ Tổ tiên để làm lễ tạ Thổ Thần, dọn dẹp mộ phần, mời rước vong linh gia tiên về đón năm mới.
Đây là một tục lệ truyền thống có ý nghĩa tốt đẹp của người Việt, thể hiện sự hiếu thuận, đạo lý uống nước nhớ nguồn của con cháu đối với những người thân đã khuất.
Đồng thời, cầu mong cho các vị thần phù hộ cho các vong linh người thân quyến thuộc đắc an cư nơi mộ địa, không bị ngoại quỷ vọng hành quấy rối mộ phần.
Tạ mộ cuối năm Quý Mão ngày nào đẹp?
Trong khoảng từ 20 đến 30 tháng Chạp, các gia đình người Việt thường tổ chức lễ tạ mộ cuối năm để tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong phúc lộc cho gia đình. Lễ tạ mộ có thể làm độc lập vào tất cả các ngày tốt trong tháng Chạp hoặc nhiều gia đình cũng thường kết hợp với lễ mời gia tiên về ăn Tết sau ngày 23 tháng Chạp. Dưới đây là một số gợi ý về ngày đẹp trong tháng Chạp để làm lễ tạ mộ:
Ngày 24 tháng Chạp (3/2/2024): 5 giờ - 7 giờ; 11 giờ - 13 giờ; 13 giờ - 15 giờ; 17 giờ - 19 giờ.
Ngày 26 tháng Chạp (5/2/2024): 7 giờ - 9 giờ; 11 giờ - 13 giờ; 13 giờ - 15 giờ.
Ngày 28 tháng Chạp (7/2/2024): 5 giờ - 7 giờ; 9 giờ - 11 giờ; 15 giờ - 17 giờ.
Nếu không thể tổ chức lễ vào các ngày trên, gia chủ có thể chọn một ngày khác trong khoảng từ 20 đến 30 tháng Chạp. Các ngày 23, 29 và 30 tháng Chạp được xem là bình thường, không tốt cũng không xấu, có thể là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, tránh tổ chức lễ tạ mộ vào các ngày 22, 25 và 27 tháng Chạp, những ngày được coi là Tam Nương, ngày xấu theo quan niệm dân gian.
Đồ lễ khi đi tạ mộ cuối năm
Tùy theo điều kiện từng gia đình cùng những phong tục vùng miền mà chúng ta có thể chọn đồ lễ cho phù hợp.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo mâm đồ lễ như sau:
- Xôi, chè
- Rượu, trà, thuốc.
- 5 lá trầu và 5 quả cau
- 9 bông hồng đỏ và đĩa hoa quả (5 quả tròn).
- 4 cái oản đỏ (hoặc bánh)
- 1 đĩa gạo muối
- 1 bát nước hoặc 1 chai nước
Những điều lưu ý khi đi tạ mộ
Khi đi tạ mộ cuối năm, mọi người cần lưu ý những điều sau:
Không nên đi tạ mộ quá sớm lúc sương chưa tan hết hoặc quá chiều muộn âm khí nặng hơn không có lợi cho sức khỏe.
Cần sắp lễ vật ở miếu thần linh. Bởi ở nghĩa trang thường có nơi thờ thần linh, thổ địa riêng.
Khi đi tạ mộ, cần lưu tâm đến tất cả các cụ trong dòng họ chứ không nên chỉ quan tâm đến các cụ gần đời mình như cha mẹ, ông bà… Ngoài ra, nên thắp hương các ngôi mộ ở bên cạnh những ngôi mộ người thân của mình, ngay cả những ngôi mộ vô chủ cũng nên thắp cho họ nén hương.
Khi đi tạ mộ không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác.
Sau khi đi tạ mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các khí và âm khí bám vào người và quần áo.
Người đang ốm yếu, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, phụ nữ mang thai, không nên đi tạ mộ vì nghĩa trang là nơi nhiều khí lạnh, vi khuẩn sinh sôi.