Nền tảng kinh doanh giúp Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi nông nghiệp hiệu quả

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cùng Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam vừa tổ chức lễ ký kết trực tuyến Chương trình hành động 2021 của “Nền tảng Kinh doanh bền vững Hà Lan - Việt Nam tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Theo VCCI Cần Thơ, đây là một bước cụ thể hóa kế hoạch phối hợp và và đẩy nhanh quá trình thực hiện những cam kết đã được nêu rõ trong Ý định thư về việc xây dựng nền tảng kinh doanh bền vững giữa Hà Lan và Việt Nam tại ĐBSCL được ký kết vào tháng 1/2021.
“Nền tảng Kinh doanh bền vững Hà Lan - Việt Nam tại khu vực ĐBSCL” là sáng kiến và thành lập bởi Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Vương quốc Hà Lan cùng các bên có liên quan nhằm phát huy tiềm năng hợp tác sẵn có và nâng cao vị thế thương mại giữa hai quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.
Đại diện VCCI Cần Thơ và Đại sứ quán Hà Lan ký kết chương trình hành động. 
Đây là nền tảng quan trọng giúp ĐBSCL của Việt Nam chuyển đổi nông nghiệp một cách hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là quản lý nguồn nước và các công nghệ liên quan đến phát triển nông nghiệp, trong đó vai trò khu vực kinh tế tư nhân được quan tâm nhiều hơn trong quá trình hợp tác.
Nền tảng được thành lập với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh doanh của vùng ĐBSCL, tập trung vào các lĩnh vực quản lý nước bền vững, công nghệ nước dành cho nông nghiệp và tiếp vận hậu cần bền vững; xác định các cơ hội kinh doanh ở ĐBSCL và nhu cầu của Việt Nam và Hà Lan…
Sau khi ký Ý định thư, VCCI Cần Thơ và Đại sứ quán Hà Lan đã có các cuộc họp trực tiếp và trực tuyến nhằm bàn luận về các hoạt động có thể phối hợp thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và lợi thế của mỗi bên.
Tại lễ ký kết, Đại sứ Hà lan, bà Elsbeth Akkerman cho biết, Chính phủ Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi nông nghiệp và hỗ trợ về mạng lưới nước; hợp tác với các trường đại học, học viện tại vùng để thực hiện các nghiên cứu, hợp tác trong khối tư nhân giữa các DN, nhà đầu tư Hà Lan với DN Việt Nam…
Phía Hà Lan có thể cung cấp những giải pháp để khắc phục những khó khăn do xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán gây ra cho vùng ĐBSCL thông qua những ngành nông nghiệp bền vững, hệ thống quản lý nước, quản lý bờ biển..., có thể giúp ĐBSCL vượt qua những thách thức trên và phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, chương trình hành động này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc thực hiện các hạng mục trong chương trình hành động sẽ thúc đẩy và mở rộng các hoạt động thương mại và đầu tư giữa các đối tác Hà Lan với vùng ĐBSCL, tạo bước ngoặt quan trọng để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn.
Những hoạt động sắp tới của hai bên đã thống nhất và đây sẽ là những hoạt động thiết thực nhằm hướng đến sự phát triển mối quan hệ đối tác của hai quốc gia…
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ tại lễ ký kết 
Với vai trò là đối tác thứ 3 cùng thực hiện Ý định thư, bà Willemiean Van Asselt - đại diện diện Liên minh ngành hàng ưu tiên trong lĩnh vực nước, hậu cần, nông sản, rau hoa quả và vật liệu giống của Vương quốc Hà Lan (Top Sectors) cho biết, bà rất vui mừng vì cam kết giữa hai phía không dừng lại ở việc ký kết Ý định thư mà nay đã hiện thực hóa thành những công việc cụ thể.
Phía Hà Lan đã có những bước chuẩn bị để triển khai việc hợp tác Hà Lan - Việt Nam trong thời gian sắp tới như xây dựng website để thu hút các DN Hà Lan quan tâm và tìm hiểu về vùng ĐBSCL, tích cực triển khai những hoạt động hợp tác quốc tế và cũng hy vọng cuối năm sẽ tổ chức sự kiện trực tuyến nhằm giúp đoàn DN Hà Lan tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Các bộ ngành của Hà Lan cũng đang xem xét những hoạt động để đẩy mạnh mối quan hệ đối tác tại Việt Nam trong thời gian tới…
Hà Lan là đối tác chiến lược với Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực từ năm 2014 (SPA Nông nghiệp). Trong quan hệ kinh tế, đây là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam tại EU và và cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của EU tại Việt Nam. Hai bên cũng là đối tác chiến lược trong lĩnh vực nước và thích ứng với biến đổi khí hậu…