Sunday, 00:00 01/01/2012
Nên tăng liều lượng cho gói giải cứu
KTĐT - Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và cá nhân năm 2012. Đa số các ĐB tán thành gói giải pháp theo đề xuất của Chính phủ, song cho rằng nên triển khai sớm hơn và mở rộng thêm phạm vi hỗ trợ hơn so với tờ trình gửi Quốc hội.
Mở rộng đối tượng hỗ trợ
Tán thành việc giảm 30% thuế TNDN đối với 2 đối tượng đã nêu trong tờ trình, bởi trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn như hiện nay, việc ban hành chính sách hỗ trợ thuế cho người dân và DN là cần thiết, nhưng ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) vẫn băn khoăn một số điểm: "Nếu theo phương án của Chính phủ, chỉ có khoảng 35% số DN đang hoạt động được giảm thuế thu nhập DN. Trong khi đó, khoảng 39% số DN hiện đang cố trụ lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh lại không được hỗ trợ, vấn đề là tiêu chí để xác định thế nào là DN nhỏ và vừa hiện nay còn chưa hợp lý".
Đồng quan điểm trên, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Chính phủ cần mở rộng đối tượng hỗ trợ bằng cách xem lại cách thức phân loại DN. "Hai tiêu chí phân loại DN nhỏ và vừa hiện nay là quy mô tổng tài sản và số lao động bình quân năm, trong đó vốn là tiêu chí ưu tiên. Điều bất hợp lý là thay vì lấy vốn điều lệ hoặc vốn sở hữu chủ làm cơ sở thì lại sử dụng tổng tài sản, tức bao gồm cả vốn vay, vốn huy động từ các nguồn khác - những yếu tố luôn thay đổi theo hoạt động trong từng thời kỳ - làm cơ sở. Do vậy, với một DN có vốn chủ 30 tỷ đồng nhưng nếu tổng tài sản vượt 100 tỷ đồng sẽ không được hưởng việc giảm thuế này" - ĐB Vẻ phân tích.
Các ĐB cũng lo ngại mức giãn, giảm thuế 30% cho DN nhỏ và vừa như đề xuất của Chính phủ là chưa đủ "liều" và cần giảm thêm nữa để phát huy tác dụng khi hơn 50% DN hoạt động không có lãi, thua lỗ.
Giải pháp phải mạnh và thiết thực hơn
Theo tờ trình của Chính phủ, ngoài giảm 30% thuế TNDN năm 2012 cho một số đối tượng DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, còn miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng (VAT) thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập DN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân…
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra chỉ tán thành đề xuất giảm 30% thuế TNDN như tờ trình của Chính phủ, còn hầu hết các ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) lại không tán thành với phương án miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh… Theo giải thích của Ủy ban TCNS, việc thực hiện chính sách giảm 50% thuế khoán thuế GTGT, TNDN và TNCN như trong năm 2011 cũng không mang lại hiệu quả thiết thực vì giá trị tuyệt đối số tiền thuế được giảm quá khiêm tốn. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trước đó cũng cho biết thuế suất VAT cũng như thu nhập DN của Việt Nam thuộc nhóm trung bình thấp trên thế giới và trong điều kiện ngân sách hạn hẹp hiện nay, nếu giảm theo đề xuất của các ĐB, Nhà nước có thể thất thu hơn 100.000 tỷ đồng. Vì vậy, các giải pháp giảm thuế, miễn thuế nếu đưa ra phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Mức thuế suất thuế TNDN 25% hiện nay dù Chính phủ cho rằng không cao nhưng theo ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương), các DN đang phải trả chi phí cao hơn ở một số nước và phải chấp nhận nhiều mức thuế không chính thức nên ngay cả khi giảm thuế TNDN xuống 20% thì vẫn cao hơn số thuế thực phải nộp của DN. "Có một số chi phí ở Việt Nam không được thừa nhận như thù lao cho thành viên, mời chuyên gia, nhà quản lý giỏi làm thành viên HĐQT độc lập… Đây là những chi phí hợp lý nhưng chúng ta lại không chấp nhận. Do đó, thuế TNDN thực nộp cao hơn con số danh nghĩa 25%" - ông Tín nói. Còn theo ĐB Trương Thị Ánh (TP. HCM), ăn ở là nhu cầu chính đáng nhất với người lao động nghèo. TP. HCM đã tổ chức khảo sát, vận động đối tượng kinh doanh nhà trọ cam kết không tăng giá… qua một năm sơ kết, đánh giá đã tạo sự lan tỏa và đồng tình cao của người dân. Do đó, đại biểu Ánh đề nghị thực hiện chính sách miễn giảm thuế như năm 2011 để đảm bảo vĩ mô, an sinh xã hội.
Cho rằng Chính phủ đưa ra gói giải pháp 29.000 tỷ đồng quá chậm. "Nhưng chậm còn hơn không. Nền kinh tế giống cơ thể người, nếu hắt hơi sổ mũi chỉ cần uống thuốc cảm cúm, nhưng nếu để thành bệnh nặng thì có uống sâm cũng khó phục hồi" - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Ngoài các các giải pháp trên, nhiều ĐB đề nghị xem xét thêm các giải pháp miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1; có ý kiến đề nghị miễn thuế TNCN đối với tất cả các bậc trong năm 2012; giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng, nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.
Dự thảo Nghị quyết các giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho DN được xây dựng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về gói giải pháp được thực hiện theo Nghị quyết 13 công bố hồi đầu tháng 5. Thêm vào đó, Nghị quyết của Chính phủ cũng được coi là chưa đầy đủ, do cơ quan hành pháp chỉ có thẩm quyền giãn - hoãn các khoản thuế TNDN, VAT, chứ chưa thể công bố việc miễn giảm, vốn được coi là thiết thực hơn đối với DN. Gần đây lãi suất có giảm, thậm chí giảm khá nhanh, nhưng nhiều DN đã "chết lâm sàng" trước đó. Vấn đề ở đây là tính kịp thời. Trước sau cũng phải giảm thuế. Đây là thời điểm giảm có hiệu quả nhất, và trong chiến lược cải cách thuế được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 thuế suất thuế TNDN phải giảm xuống xuống 20%" - ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) "Giãn giảm thuế đúng chế độ, tăng cường hỗ trợ để DN khai thác tốt sức sản xuất để có thu và nộp. Nếu DN hoạt động hiệu quả hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách sau này" - ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) |