Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên thuê dịch vụ trọn gói cho giao thông thông minh

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang cần nguồn lực rất lớn để đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông nói chung, giao thông thông minh (GTTM) nói riêng.

Đi tìm lời giải cho thách thức này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội.

Nên thuê dịch vụ trọn gói cho giao thông thông minh - Ảnh 1

Xin ông cho biết định hướng GTTM mà Hà Nội hướng tới gồm những mục tiêu gì?

- Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã định hướng cho Thủ đô phát triển trong những năm tới, xác định GTTM là một trong những yếu tố rất quan trọng để xây dựng Hà Nội thành Thành phố thông minh. Hiện Hà Nội vẫn ở giai đoạn đầu kiến tạo GTTM dù là TP sớm nhất của cả nước triển khai trong thực tế việc áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng cường năng lực giao thông.

Mục tiêu trong thời gian tới là dựa trên cơ sở những nền tảng, điều kiện đã có, TP phải hình thành bộ khung tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho GTTM. Bên cạnh đó sẽ song hành thành lập hai trung tâm GTTM tích hợp chung trên cơ sở Trung tâm điều khiển giám sát giao thông hiện nay của Công an TP; và Trung tâm điều khiển giao thông của TP của Sở GTVT. Quan trọng hơn nữa, Sở GTVT đã chính thức báo cáo TP ngay từ bước kỹ thuật, phải đưa ra các cơ chế, chính sách cụ thể đối với GTTM, đặc biệt là đề xuất những ưu đãi, đặc thù riêng để phục vụ phát triển GTTM.

Ưu tiên của Hà Nội đối với GTTM trong giai đoạn này là gì thưa ông?

- Một trong những điều kiện rất quan trọng để phát triển GTTM đó là nay phải tìm những nhà đầu tư chiến lược để làm một cách tổng thể. Bởi vì công nghệ thay đổi hàng ngày hàng giờ, do vậy, chúng ta phải chọn được những nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ lớn khu vực và thế giới. Họ sẽ mang cho TP công nghệ mới nhất, hơn nữa còn chuyển giao công nghệ.

Hiện Sở GTVT Hà Nội đang đề xuất nghiên cứu tổng thể, đưa ra những dự án cụ thể để triển khai, cố gắng phấn đấu từ đây đến 2030 xây dựng được kịch bản cơ sở cho việc xây dựng Thành phố thông minh và GTTM. Đây cũng là mong muốn của lãnh đạo TP cũng như Nhân dân Thủ đô.

Muốn đạt được những mục tiêu bản lề đó, Hà Nội cần phải làm gì?

- Có thể nói con đường phía trước còn rất dài. Trước hết Hà Nội phải có một cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho lĩnh vực GTTM và Thành phố thông minh. Cơ chế, chính sách đó còn phải đề xuất và tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ.

Bên cạnh đó Hà Nội đang gấp rút số hóa dữ liệu giao thông theo từng lớp. Đầu tiên là lớp hạ tầng, sau đến lớp mạng lưới vận tải công cộng, tiếp theo nữa là mạng lưới toàn bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt bao gồm nhà chờ, điểm dừng đỗ… Đấy là tất cả những mục tiêu mà chúng tôi định hướng đặt ra trong thời gian tới, đã và đang thực hiện. Nếu không có gì thay đổi, trong năm nay, chúng tôi sẽ có báo cáo cuối cùng về khung tiêu chuẩn kỹ thuật. Sở GTVT sẽ ưu tiên thí điểm GTTM trước cho xe buýt thông qua việc đưa vào vận hành hệ thống thẻ vé điện tử; đồng thời nghiên cứu ngay để liên thông được thẻ vé cho cả đường sắt đô thị.

Riêng về bản đồ số, tôi tin rằng trong năm 2024 chúng tôi sẽ có thể hoàn thành được. Có bản đồ số hạ tầng, mỗi một cơ quan quản lý Nhà nước đều có thể vào đó khai thác dữ liệu chung này một cách hiệu quả.

Vậy thưa ông, chúng ta có thể huy động nguồn lực cho GTTM từ đâu?

- Tôi cho rằng, trước mắt huy động nguồn lực quan trọng nhất, dồi dào nhất vẫn là nguồn lực xã hội. Nếu thuần túy ngân sách Nhà nước là chưa đủ và cũng không thể đáp ứng được về lâu dài. Chính vì vậy, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, cũng đưa ra một loạt các loại hình, phương thức đầu tư mới, mở rộng hành lang để thu hút nguồn lực xã hội.

Nhưng muốn thu hút nguồn lực xã hội phải có cơ chế đặc thù riêng cho những nhà đầu tư chiến lược, thể hiện rõ khả năng người ta có thể thu hồi vốn thì mới hấp dẫn. Vì thế nên phải linh hoạt các phương thức huy động nguồn lực. Ví dụ như với GTTM, có thể chỉ cần áp dụng hình thức “thuê” hạ tầng, công nghệ của các nhà đầu tư cũng sử dụng được và cho hiệu quả khả quan. Ví dụ như việc triển khai hệ thống thẻ vé liên thông trên phương tiện vận tải công cộng đợt này.

Phòng điều khiển giao thông Công an TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Phòng điều khiển giao thông Công an TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh cũng như các nước, chúng tôi đã đề xuất UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương là thuê dịch vụ trong vòng 5 năm. Đơn vị cho thuê dịch vụ sẽ được trả phí khoảng 60 - 80 tỷ đồng/năm để chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, vận hành toàn bộ hệ thống thẻ vé liên thông Hà Nội trong vòng 5 năm và sau đó bàn giao lại công nghệ cho mình.

Trong bối cảnh công nghệ thay đổi liên tục, thuê dịch vụ sẽ giảm bớt gánh nặng cho TP, tất cả mọi vấn đề liên quan đến duy tu, bảo dưỡng, khai thác, vận hành hệ thống đều sẽ được đơn vị lựa chọn cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm toàn bộ. Căn cứ trên khái toán thôi thì kinh phí đầu tư cho hạ tầng GTTM ban đầu đã rất lớn; lại có rủi ro do công nghệ thay đổi liên tục, hệ thống nhanh chóng lỗi thời. Cách làm thông minh và hợp lý nhất là ta lựa chọn được một đơn vị cung cấp để thuê, vừa giúp triển khai nhanh, vừa không phải chịu rủi ro công nghệ.

Có thể nói, thuê dịch vụ trọn gói là một trong những lời giải tốt nhất cho GTTM và rộng hơn nữa là cả Thành phố thông minh, như vậy Nhà nước sẽ tiết kiệm kinh phí hơn, và thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.
Xin cảm ơn ông!