Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên uống nước như thế nào trong ngày nóng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Uống quá nhiều nước không những không hữu ích mà còn có hại, đặc biệt còn gây nguy hiểm đến tính mạng đối với những người mắc bệnh thận, tim, huyết áp…

Trong những ngày nắng nóng, bất cứ ai cũng có thể bị kiệt sức và đột quỵ; một số người có nguy cơ bị cao hơn như: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh tiêu chảy, người bị bệnh tiểu đường, béo phì và suy tim mãn tính,…

 
Nên uống nước như thế nào trong ngày nóng? - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Theo khuyến cáo của PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày nắng nóng nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, nhất là từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều.

Bởi vào thời điểm này nắng chứa nhiều tia tử ngoại nhất, chưa kể nhiệt độ cao kết hợp những trò vận động quá sức sẽ khiến người nhanh mệt và dễ bị cơn đột quỵ tấn công.

Do vậy, đối với những người phải lao động ngoài trời nên có phương tiện che nắng như mũ… mặc những đồ kín nhưng phải thoáng, không nên mặc những đồ có chứa nilông để không bị dính mồ hôi. Trong nước uống nên có thêm những chất vi lượng như muối để bổ sung cho cơ thể…

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, mọi người thường có xu hướng uống quá nhiều nước, thậm chí không khát cũng uống, uống nước cho đủ "định mức".

Theo PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, bình quân một người uống khoảng 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, lượng nước cung cấp cho cơ thể đủ độ ẩm, làm sạch ruột và dạ dày cũng như giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến nghị chung, còn lượng nước thực tế một người cần uống phụ thuộc vào các yếu tố như: cân nặng, cường độ vận động, môi trường làm việc, khí hậu,... Nhưng nhìn chung không phải cứ uống nhiều nước trong ngày nắng nóng là tốt, mà chỉ nên uống nước vừa đủ.

Bởi uống quá nhiều nước không những không hữu ích mà còn có hại, đặc biệt còn gây nguy hiểm đến tính mạng đối với những người mắc bệnh thận, tim, huyết áp… Tình trạng dư thừa nước tự do trong cơ thể sẽ gây ra rối loạn các chất điện giải trong máu. Nồng độ các thành phần điện giải này trong máu có thể thấp do bị nước pha loãng, ảnh hưởng đến các tế bào và hoạt động của tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não. Việc dư thừa nước cũng sẽ dẫn tới tăng huyết áp, tăng gắng nặng tuần hoàn, đặc biệt sẽ làm thành cơ tim bị nhão dẫn tới suy tim, giảm chức năng tim mạch.