Nên và không nên làm gì khi đi nắng?

Bằng Lăng (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết nắng nóng dễ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, vì vậy cần phải lưu ý một số việc nên và không nên làm khi vừa đi nắng về để sức khỏe luôn được đảm bảo.

Những việc không nên làm khi đi ngoài nắng về

Ngồi liên tục trước quạt gió

Nên và không nên làm gì khi đi nắng? - Ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Thường thấy nhất là những bạn sinh viên xóm trọ luôn đứng trước quạt gió để giải nhiệt mỗi khi đi học trở về. Đây dường như là sai lầm khá nghiêm trọng mà bạn cần chấm dứt ngay.

Bởi điều này dẫn đến một tình trạng là phần da tiếp xúc với quạt sẽ nhanh bốc hơi mồ hôi làm giảm nhiệt nhanh chóng. Còn những phần không tiếp xúc với quạt, mồ hôi bốc hơi chậm khiến cho nhiệt độ trên cơ thể không đồng đều, làm sự tuần hoàn máu, bài tiết mồ hôi mất cân bằng, dẫn đến đau đầu, choáng váng, toàn thân bứt rứt, khó chịu,... Ngoài ra ngồi trước quạt gió liên tục khiến cơ thể nhanh mất nước, tạo cảm giác uể oải, mệt mỏi hơn.

Bật điều hòa nhiệt độ thấp

Cảm giác từ một thế giới như chảo lửa bước vào một không gian máy lạnh thật sướng tê tái nhưng đó lại là con dao giết chết sức khỏe của bạn.

Nếu bạn chỉ mở nhiệt độ máy lạnh vừa đủ mát thôi thì không sao nhưng với nhiệt độ quá thấp sẽ khiến cơ thể bước vào trạng thái "sốc nhiệt". Ngoài ra còn làm mồ hôi khó bốc hơi, ngấm ngược lại cơ thể và gây tình trạng cảm lạnh.

Tắm, rửa mặt

Tắm khi vừa đi nắng về có thể giúp bạn cảm thấy mát mẻ và thoải mái hơn một chút, nhưng thực tế thì đây là một việc làm hết sức nguy hiểm. Khi vừa đi ngoài trời nắng về, nhiệt độ cơ thể còn rất cao. Nếu tắm ngay lúc này sẽ làm cho nhiệt độ thay đổi đột ngột, có thể gây ra đột quỵ.

Nếu bạn muốn tắm thì chỉ nên để thân nhiệt ổn định lại sau khoảng 10 phút hoặc tốt nhất là 30 phút rồi hãy tắm. Hoặc sử dụng khăn ẩm để lau người là được rồi.

Uống nước đá

Trời nắng nóng thì một ngụm nước đá gây cảm giác thật đã. Nhưng bạn có biết khi thân nhiệt bạn đang cao do đi nắng về mà uống nước lạnh thì sẽ khiến cơ thể đốt nhiều năng lượng hơn để đưa nhiệt độ nước trở về bình thường.

Như vậy đã mệt mỏi do nắng nóng thì càng mệt mỏi hơn. Hơn nữa nước quá lạnh sẽ ép buộc cổ họng bạn phải thích nghi nhanh, từ đó dễ làm bạn đau họng, viêm họng nhiều hơn.

Vào mùa hè nắng nóng bạn chỉ nên uống nước nguội và hạn chế dùng nước đá vào những ngày này.

Nên làm gì sau khi đi ngoài nắng về

Thay quần áo

Quần áo mặc khi ra ngoài đã thấm nhiều mồ hôi nên phải thay đồ ngay khi đi nắng về. Nên lựa chọn quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để tránh cơ thể bị cảm nắng.

Nghỉ ngơi khoảng 30 phút

Ngay khi đi nắng về cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút sau đó tắm rửa sạch sẽ giúp cho cơ thể luôn sạch sẽ, thoải mái, dễ chịu. Không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng khi đi nắng về vì có thể gây sốc nhiệt, đột quỵ. Trong quá trình tắm có thể áp dụng một số cách sau sẽ giúp giải nhiệt, xua tan mệt mỏi:

Nhúng tay, chân vào nước mát để giúp cơ thể bớt nóng bức.

Dùng khăn mềm bọc lấy viên đá lạnh chườm khắp cơ thể để được thư giãn.

Sau khi tắm xong dùng khăn ẩm quàng lên cổ sẽ giúp hạn chế việc bốc hơi, làm mát cơ thể.

Uống nước ấm hoặc đun sôi để nguội

Nên và không nên làm gì khi đi nắng? - Ảnh 2

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Một điều mà mọi người không ngờ tới đó là nước hơi ấm hoặc đun sôi, để nguội có thể bù đắp lại lượng nước đã mất một cách nhanh chóng. Vì các đơn phân tử dễ dàng thẩm thấu vào tế bào nhanh hơn nước lạnh. Nên uống từ từ, từng hơi một để cơ thể tiếp nhận dần dần.

Bổ sung thực phẩm

Bổ sung thêm nước ép trái cây tươi hoặc một số loại nước có tác dụng giải nhiệt như: nước rau má, nước dừa, nước diếp cá, trà xanh…

Nên dự trữ một số lọai hoa quả để ăn sau khi đi ngoài nắng về:

Xoài: có chứa nhiều vitamin C giúp tăng hệ miễn dịch cho cơ thể,  phòng ngừa cảm lạnh trong những ngày nắng nóng.

Sữa có tác dụng hạ nhiệt, phòng ngừa hiện tượng thiếu nước, mệt mỏi do nắng nóng.

Nước dừa cung cấp nhiều magie, kali, muối, đường có tác dụng giải nhiệt, chống nắng rất tốt.

Dưa hấu có chứa nhiều axít glutamic, arginine, axít phosphoric, axít malic, muối, carotene, vitamin C… có khả năng chống nắng.

Nước cam, nước chanh: chứa nhiều vitamin C, phòng ngừa và điều trị các hiện tượng như chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi do nắng nóng.

Khổ qua (hay còn gọi là mướp đắng) có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, giảm mệt mỏi do nắng nóng.