Nên xem lại quy trình dừng xe kiểm tra trên cao tốc

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, nguyên nhân của vụ lái xe Lexus dừng đỗ theo hiệu lệnh của CSGT làm nhiệm vụ bị xe tải phía sau đâm tử vong vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, dù ai đúng, ai sai thì các lực lượng chức năng cũng nên xem xét lại quy trình tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm giao thông trên đường cao tốc.

 Chiếc xe tải (màu trắng) gây tai nạn.
Cụ thể, khoảng 15 giờ 15 phút ngày 15/9, Tổ Công tác của đội 2, Phòng 8, Cục CSGT đang làm nhiệm vụ trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên phát hiện ô tô nhãn hiệu Lexus KBS 20L - 8888, do anh Nguyễn Việt H. điều khiển chạy quá tốc độ, nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Khi anh H. xuống xe xuất trình giấy tờ thì bị ô tô tải do Nguyễn Văn Thành điều khiển đâm vào đuôi xe của H. Sau đó, chiếc xe tiếp tục tông vào anh H. và CSGT Nguyễn Anh Tuấn đang làm nhiệm vụ. Sau khi tai nạn xảy ra, anh H. và anh Nguyễn Anh Tuấn được đưa cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Đến 19 giờ 35 cùng ngày, do vết thương quá nặng, anh H. đã tử vong.
Liên quan vụ việc này, nhiều người cho rằng, nguyên nhân của vụ tai nạn là do lái xe tải đã không giữ được khoảng cách, không làm chủ được tốc độ. Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng, trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về lực lượng CSGT, bởi nếu thực hiện đúng quy trình, có cảnh giới từ xa thì hậu quả sẽ không nghiêm trọng như vậy. Thậm chí, một số người còn đặt câu hỏi, lực lượng CSGT hoàn toàn có thể phạt nguội, phạt tại trạm thu phí… tại sao cứ nhất thiết phải dừng xe trực tiếp trên đường cao tốc.
Xung quanh vấn đề này, luật sư Vũ Hồng Hoa – Hợp tác xã Luật Đống Đa cho biết, căn cứ Khoản 1, Điều 5. Thông tư 01/2016/TT-BCA thì CSGT có quyền yêu cầu người tham gia giao thông đang di chuyển trên đường cao tốc dừng lại, kiểm tra giấy tờ và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, khi dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định và không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Cụ thể, lực lượng CSGT cũng phải đặt rào chắn bằng nhựa hoặc cao su hình chóp nón, biển cảnh báo “đi chậm” phía sau phương tiện bị dừng với chiều dài đoạn đường đặt rào tối thiểu là 100m…
Do đó, để xác định lực lượng CSGT có trách nhiệm như thế nào trong vụ việc trên cần phải xác định lực lượng CSGT đã cảnh báo, cảnh báo đúng cách hay chưa? Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa đó cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn. Việc xử lý dừng xe không đúng quy định sẽ không vi phạm luật hình sự.
Tương tự, một số luật sư khác cho rằng, trong vụ việc này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về lái xe tải do đã vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Lái xe tải đã vi phạm các điều 4, 5 và 12 của Luật Giao thông đường bộ khi không tự giác chấp hành các quy tắc giao thông, không chủ động giảm tốc độ gây hậu quả nghiêm trọng… Theo nhiều luật sư, với những hành vi và hậu quả gây ra, lái xe ngoài việc bị xử lý theo quy định của Luật Giao thông đường bộ có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, hiện nay, ngoài việc xử phạt trực tiếp trên đường, các lực lượng chức năng hoàn toàn có thể phạt nguội, hoặc dừng xe xử phạt tại trạm thu phí đối với những tuyến đường cao tốc. Do đó, để ngăn chặn những sự cố tương tự có thể xảy ra, các lực lượng chức năng cần xem xét lại quy định lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trên đường cao tốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần