Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) gồm 9 chương, 78 điều, với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Đa số các đại biểu thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến vào những nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước; cơ quan giải quyết bồi thường; nguyên tắc giải quyết bồi thường; khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường; kinh phí bồi thường…
Góp ý về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước, các đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành. Theo đó, bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời bổ sung quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bồi thường. Tại Điều 13 về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại, các đại biểu đề nghị bổ sung một khoản quy định quyền và nghĩa vụ của người đại diện của người bị thiệt hại, quyền và nghĩa vụ của người thừa kế và người đại diện theo pháp luật; bổ sung quyền của người bị thiệt hại được tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí…
Liên quan đến dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, đối với điều 7 quy định về người được trợ giúp pháp lý, dự thảo luật sửa đổi mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý nhiều hơn. Tuy nhiên, để dự thảo luật sửa đổi ban hành thực hiện hiệu quả, đại biểu đề nghị nên xem xét, cân nhắc về tính đồng bộ của văn bản. Không nên đưa đối tượng được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Vì tại Điều 76 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, người bị buộc tội dưới 18 tuổi đương nhiên có người bào chữa cho đối tượng này.
Thay mặt Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đã ghi nhận, tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời khẳng định, những kiến nghị này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổng hợp trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội để nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung vào các điều, khoản của Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.