"Ngày cuối năm cũ như mở ra một cánh cửa vô hình để những người sống và người đã khuất gặp nhau dù chỉ trong cảm giác và cảm xúc. Điều đó dù mơ hồ vẫn là một phần quan trọng trong đời sống. Nó làm con người nhân lên tình yêu thương, lòng ơn kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ. " - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều Nhà thơ Lê Minh Quốc: Có một điều thú vị, nếu ngoài Bắc vào đêm Giao thừa có trẻ em đi hát xúc xắc xúc xẻ thì ở Sài Gòn lại có một hình thức chúc Tết cũng tương tự. Theo Gia định thành thông chí: “Đêm 28 tháng Chạp, Na Nhân (tục gọi là Nậu sắc bùa) đánh trống mọi, gõ phách, một đoàn năm, mười người đi theo dọc đường, thấy nhà nào phú thì đẩy cửa ngõ vào dán lá bùa nơi cửa, nổi trống phách lên, hát những lời chúc mừng, chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ, xong nhà này lại qua nhà khác. Nhân viên ngân hàng Phạm Đức Ngọc: Tôi nhận ra rằng, khi tôi xách ba lô lên đi du lịch những ngày Tết, tôi có thể khám phá địa danh mới, làm quen với nhiều người bạn mới nhưng mất đi kết nối với người quen, người thân. Những chuyến đi đã giúp tôi trưởng thành, thu lượm được nhiều thành quả trong cuộc sống, hiểu được nhiều điều ý nghĩa, mở ra cho tôi nhiều cơ hội, nhưng đi nhiều tôi thấy rằng hà cớ gì mình phải xa gia đình, người thân trong những ngày Tết. Nhân viên marketing tại Hà Nội Lê Thị Hằng: Tết xưa với đầy đủ nét văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Còn ngày nay, với nhịp sống hiện đại và điều kiện sống thay đổi, một số phong tục Tết đã có sự thay đổi. Mấy năm gần đây, có một số người đặt ra vấn đề bỏ Tết. Họ cho rằng Tết truyền thống gây ra một số phiền lụy như biếu xén, quà cáp. Nhưng thực chất, phiền lụy ấy sinh ra từ thái độ sống của người lấy Tết như lý do để thực thi công việc khác chứ không phải một sự kiện văn hóa. (Minh An ghi) |
Neo giữ giá trị văn hóa Tết cổ truyền
Kinhtedothi - Tết là dịp sắc màu văn hóa truyền thống được lan tỏa khắp nơi thông qua các phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng. Trải qua hàng ngàn năm, văn hóa truyền thống ấy được lưu truyền, kết tinh tạo ra nét đẹp trong đời sống tinh thần.
Cùng với đó, những nghi lễ, ứng xử trong dịp Tết xưa cũng được xã hội điều chỉnh cho phù hợp với đời sống đương đại.
Tết không chỉ là khoảnh khắc của sự chuyển mùa, của tiết thời mà còn là một ký ức văn hóa luôn gắn với tâm thức mỗi người. Trong đó, phong tục, tập quán ngày Tết là một trong những điều để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Nhiều hình ảnh ngày Tết đã quen thuộc như: Cúng ông Công, ông Táo; đi thăm mộ tổ tiên, gói bánh chưng, dựng cây nêu, mừng tuổi…
Nét đẹp xưa
Ở Hà Nội, người ta thấy phong tục Tết đậm đặc nhất ở từng con phố nhỏ cũ kỹ. Sau lễ cúng ông Công ông Táo, người dân Hà Nội bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, gói bánh chưng... đón Tết. Trẻ em trong nhà được mua quần áo mới, được mua bánh kẹo, và thích nhất là được bố mẹ mua tranh cho treo Tết, được mừng tuổi, đi chơi…
Đặc biệt, để chuẩn bị đón Tết, người Hà Nội có phong tục làm “bao sái” hay còn gọi là “mục dục”, ý nôm na là quét bàn thờ. Mỗi năm chỉ một lần, người dân sẽ quýt, lau sạch bàn thờ. Theo quan niệm xưa, người làm việc này phải là con trai, một phần vì đồ thờ thường được đưa ra sông để làm sạch, ở đó gió, nước rất lạnh, người làm cần phải có sức khỏe. Phần nữa, bàn thờ lại ở trên cao nên phù hợp với nam giới.
Sau đó, bát hương sẽ được bốc và để lại 3 nén, tượng trưng cho thiên, địa, nhân và mang ý nghĩa lưu lại những giá trị truyền thống. Trong không gian ngày Tết ở Hà Nội, người ta còn thường gặp hình ảnh các mẹ, các chị thường mang mẹt, lá dong ra giếng nước đầu làng để rửa gói bánh chưng. Người già lại tỉ mỉ ra chợ Tết sắm sửa vài cành hoa để thắp hương hay cây cối để ở ban công rồi tỉ mỉ cắt tỉa với ánh mắt ưu tư.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Ngày cuối năm cũ như mở ra một cánh cửa vô hình để những người sống và người đã khuất gặp nhau dù chỉ trong cảm giác và cảm xúc. Điều đó dù mơ hồ vẫn là một phần quan trọng trong đời sống. Nó làm con người nhân lên tình yêu thương, lòng ơn kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ”.
Văn hóa Tết không bất biến
Những cuộc tranh luận về các giá trị cũ - mới vẫn đang tiếp tục được khơi lên mỗi khi Tết đến - Xuân về. Nhưng thay vì phủ nhận các giá trị của Tết, người Việt đang hướng đến việc định hình những phương thức ăn Tết mới, thích hợp với điều kiện của xã hội hiện đại.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, sự thay đổi về phong cách sống, điều kiện sống, một số phong tục đón Tết cổ truyền đẹp và độc đáo của Việt Nam đang dần được thay thế khi không còn phù hợp. Mặc dù vậy, những phong tục này vẫn được các cụ già kể lại cho con cháu, được một số tổ chức trình diễn, phục dựng với mong muốn neo giữ những phong tục đẹp trong Tết xưa của người Việt.
Ví như tục trồng cây nêu ngày Tết đã thay đổi. Ngày nay, các gia đình đã không còn trồng cây nêu trong dịp Tết, đặc biệt là ở TP.
Một phần điều kiện các hộ gia đình ở TP không có đất để trồng cây nêu, phần vì nhịp sống hiện đại, quan niệm sống cũng có những thay đổi cho phù hợp. Những năm gần đây, trong một số các hoạt động văn hóa, một số đơn vị, địa phương đã bắt đầu phục dựng tục trồng và hạ cây nêu, như trong chuỗi hoạt động “Tết phố 2020” tại phố cổ Hà Nội.
Tết 2020, nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý phố cổ tổ chức phục dựng khá đầy đủ, điều chỉnh một số yếu tố có tính tâm linh. Theo anh Nguyễn Đức Bình – thành viên nhóm Đình làng Việt: “Năm nay, Hà Nội được công nhận là TP sáng tạo nên nhóm Đình Làng Việt mong muốn vừa lưu giữ giá trị truyền thống, vừa sáng tạo nhưng không làm mất đi giá trị gốc”.
Tết giống như di sản
Đã có những ý kiến đề đề xuất bỏ Tết Nguyên đán để tiện lợi quản trị xã hội, hội nhập kinh tế. Có thể thấy, đó là những ý kiến đáng trân trọng vì họ hướng đến những lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên dưới góc nhìn văn hóa, với sự tôn trọng đa dạng văn hóa của cộng đồng, với sự tích lũy lâu dài của mỗi nền văn minh, Tết như một di sản văn hóa cần được bảo tồn, phát huy, phát triển và quảng bá. Ít nhất 2.000 năm, khi cộng đồng Việt cổ tiếp xúc với âm lịch, Tết Nguyên đán đã được thực hành trong đời sống văn hóa như thành phần không thể thiếu.
Từ một lễ tiết đánh dấu kết thúc vòng quay một năm, bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, Tết thực sự trở thành một sinh hoạt mang tính lễ hội quan trọng. Đứng trong tổng thể lễ hội, ta có thể nhìn nhận đa chiều về Tết.
Cụ thể, Tết dành cho tất cả mọi người. Trên phương diện cộng đồng, Tết là dịp sắc màu văn hóa được bùng nổ thông qua các hoạt động như trang hoàng nhà cửa, xóm ngõ. Người ta cố gắng mặc đẹp hơn, cờ hoa tưng bừng khắp nơi, diễn xướng dân gian được dịp bùng phát. Đó giống như sự bừng tỉnh của đất trời sau một năm.
Trong tính bảo lưu của Tết, Tết cũng không từ chối những tiếp biến, phát triển. Văn hóa Tết luôn uyển chuyển, thực tiễn và phong phú. Tết thường thời, trong chiến tranh, hoạn nạn, thiên tai có những biến đổi khác. Trong thời bình làm ăn buôn bán, Tết có biểu hiện khác hơn. Tết phố thị khác với Tết nông thôn, Tết du lịch khách với Tết hồi hương.
Tết không cố chấp những ứng xử cứng nhắc. Song tâm thức hướng về nguồn cội, kỳ vọng về tương lai thì Tết luôn lưu giữ mãi. Và trong cách nhìn, trải nghiệm của nhiều người, Tết chứa đựng trong nó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn.