Trong suốt ngày 26/4, Nepal và đặc biệt là Thủ đô Katmandou liên tục hứng chịu các cơn dư chấn mạnh, trong khi số người thiệt mạng do trận động mạnh xảy ra trước đó 1 ngày không ngừng tăng lên. Ít nhất 2.500 người đã thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương. Cộng đồng quốc tế đang đẩy nhanh các nỗ lực cứu trợ quốc gia này.
Trực thăng đưa người bị thương ra khỏi khu vực động đất. (Ảnh: Reuters) |
Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót dưới những đống đổ nát do trận động đất xảy ra hôm 25/4 vừa qua tại khu vực Thủ đô Katmandou. Đây được xem là trận động đất tồi tệ nhất xảy ra ra tại Nepal trong gần 1 thế kỷ qua. Sáng 27/4, quốc gia châu Á này tiếp tục phải hứng chịu thêm một trận động đất nữa, với cường độ 6,7 độ richter và có thể cảm nhận được từ Thủ đô New Delhi của quốc gia láng giềng Ấn Độ, cách đó 800 km về phía Tây. Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho biết, đã ghi nhận được khoảng 30 cơn dư chấn cường độ thấp. Tại Katmandou, nhiều người dân đã phải ngủ ngoài trời, dù thời tiết giá lạnh do lo ngại các cơn dư chấn có thể xảy ra. “Khi trận động đất xảy ra, chúng tôi đã chạy vào sân khách sạn để tránh bị các tòa nhà đổ sập vào người và khi chúng tôi quay ra thì tất cả đã trở thành một đống đổ nát. Chúng tôi bắt đầu giúp đỡ mọi người, cố gắn di chuyển các thi thể ra khỏi các đống đổ nát và đêm qua chúng tôi đã ngủ ngoài tời bỏi chúng tôi sợ các cơn dư chấn có thể xảy ra và bởi tất cả các khách sạn đều là nhà cao tầng. Vì thế chúng tôi ở đây và chờ đợi tình hình được cải thiện”, một khách du lịch người Pháp cho biết. Hàng trăm ngôi nhà đã bị đổ sập và một phần thành phố không có điện. Trận động đất đã phá hủy nhiều di tích lịch sử nổi tiếng tại Nepal, trong đó có tòa tháp gần 200 năm tuổi Dharhara ở Thủ đô Katmandou. Tòa tháp đã sụp đổ, giờ chỉ còn là đống gạch vụn, vùi lấp gần 50 người. “Khi trận động đất xảy ra, tôi đang ở một ngôi đền ở phía Nam Thủ đô Katmandou. Trận động đất khá là mạnh và tất cả mọi thứ đều bị đổ gập. Tất cả mọi người đều bị hoảng loạn”, một người dân nói. Tình hình cũng rất đáng lo ngại tại khu vực núi Everest, nơi trận động đất đã gây lở tuyết nghiêm trọng, khiến nhiều người leo núi bị mắc kẹt. Theo chính quyền địa phương, ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 200 người mất tích tại khu vực này. Nhờ tình hình thời tiết được cải thiện, 6 máy bay trực thăng ngày 26/4 đã hạ cánh xuống được đỉnh Himalaya để cứu trợ các nạn nhân của trận lở tuyết. Theo Bộ Du lịch Nepal, khoảng 1.000 người, trong đó có gần một nửa là người nước ngoài có mặt tại khu vực khi thảm họa xảy ra. Tại Ấn Độ, chính quyền nước này cho biết, đã có 67 người thiệt mạng do trận động đất, phần lớn tại tại bang Đông Bihar, trong khi tại Tây Tạng (Trung Quốc) là 17 người. Trận động đất cũng có thể cảm nhận được tại Bangladesh. Theo lực lượng cứu hộ, con số thương vong còn có thể tăng lên và các cơ quan nhân đạo tại khu vực vẫn rất khó đánh giá mức độ tàn phá của trận động đất, cũng như nhu cầu của người dân nơi đây. Trong lúc này, cộng đồng quốc tế đã tăng cường các nỗ lực cứu trợ Nepal. Chính phủ Mỹ ngày 26/4 thông báo đã cử các đội cứu hộ tới khu vực, đồng thời thông qua khoản cứu trợ đầu tiên trị giá 1 triệu USD. Quốc gia láng giềng Ấn Độ cùng ngày cử 2 máy bay vận tải quân sự tới Nepal và Trung Quốc thông báo cử một đội gồm 62 nhân viên cứu hộ với sự trợ giúp của chó nghiệp vụ để hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân. Hai máy bay của Nga chở các nhân viên cứu hộ hôm qua cũng đã rời Thủ đô Moscow. Tuy nhiên, thời tiết xấu đã ảnh hưởng nhiều tới công tác cứu hộ. Viện khí tượng Ấn Độ thông báo mưa lớn và đông tại Katmandou, cũng như tại khu vực miền Đông Nepal sẽ kéo dài trong suốt ngày 27 và 28/4./