Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nét đẹp kiến trúc, văn hóa ngôi làng cổ Hà thành

Mộc Miên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách trung tâm Hà Nội chừng 10km, ngôi làng cổ Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn giữ nét đẹp cổ kính, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ với hình ảnh cổng làng, giếng nước, sân đình.

Cổng làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) được phục dựng từ năm 2010 vẫn theo kiến trúc cổ xưa Ảnh: Duy Khánh
Cổng làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) được phục dựng từ năm 2010 vẫn theo kiến trúc cổ xưa Ảnh: Duy Khánh

Làng cổ Lại Đà thuộc vùng ven đô của huyện Đông Anh, được bao quanh dòng sông Đuống thơ mộng. Trải qua bao thăng trầm, ngôi làng cổ vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ kính, rêu phong đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ. Ngôi làng từng được mệnh danh là “kinh đô thu nhỏ” bởi sự xuất hiện lâu đời trong gạch nối từ kinh thành Cổ Loa xưa.

Theo PGS. TS Bùi Xuân Đính, tên làng “Lại Đà” theo chữ Hán là con thác nhỏ bên một nhánh sông. Tương truyền, làng Lại Đà khởi đầu từ một số gia đình các nơi về dựng lều trại trên khu đất lầy lội ven sông làm nghề chài lưới và trồng hoa màu trên các doi đất cao. Về sau, dân làng sinh sống ở khu vực cao và lấy tên là Lại Đà. Trước đây, làng Lại Đà là một xã thuần nông, quanh năm người dân vần vũ với rơm rạ, ruộng đồng. Do địa hình ruộng trũng nên người dân cấy hái vụ chiêm là chính, vụ mùa chú trọng trồng rau cần. Bởi thế, rau cần làng Lại Đà nổi tiếng trong vùng với ngọn dài, trắng, giòn. Ngoài ra, nông sản khác nổi tiếng là khoai lang nghệ, khoai trứng gà. Làng có nghề thủ công làm bỏng gạo trộn mật nổi tiếng vùng Kinh Bắc cùng ẩm thực là món ăn dân dã như bánh tẻ, bánh chưng, nem chua, chả quế.

Về truyền thống khoa bảng, làng Lại Đà có ông Vương Khắc Thuật đỗ Thám hoa khoa Nhâm Nhìn hiệu Hồng Đức, làng có 1 Hương cống thời Lê, 2 Cử nhân thời Nguyễn, 6 người đỗ Sinh đồ, Tú tài. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lý luận kiệt xuất, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú làng Lại Đà.

Trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, tổ chức Thanh niên cứu quốc và Nhi đồng cứu vong được thành lập đầu tiên tại làng Lại Đà, truyền lửa đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ trong làng.

Trải qua hàng trăm năm, làng cổ Lại Đà bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa gồm Đình thờ Nguyễn Hiền - Trạng nguyên đầu tiên dưới thời Trần, đỗ đạt năm 13 tuổi; miếu thờ thánh Mẫu Tiên Dung và chùa Cảnh Phúc là cụm di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng Quốc gia năm 1989.

Ngôi đình Lại Đà có lối kiến trúc hai tháp bút, có mái đao cong vút, mềm mại, khác biệt so với các đình làng trong vùng. Với tính biểu tượng hai tháp bút hàm ý nhắc nhở thế hệ con cháu nuôi chí hiếu học, lấy nhân văn làm trọng, lập thân thành tài để sau này giúp dân, giúp nước.

Ngày nay, làng cổ Lại Đà đổi thay với diện mạo nông thôn mới, hàng nghìn ngôi nhà cao tầng, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Với quy mô diện tích khoảng 101,2ha, quy mô dân số khoảng 8.200 người, làng Lại Đà hiện nằm trong điều chỉnh cục bộ Quy hoạch khu đô thị N9 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Theo Quyết định phê duyệt số 98 của UBND TP Hà Nội, thực hiện quy hoạch thôn Lại Đà trở thành điểm dân cư đô thị hóa trên nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn cấu trúc không gian làng truyền thống, đáp ứng nhu cầu cuộc sống đô thị văn minh hiện đại.