Văn minh, tiết kiệmVới quan niệm của người Việt Nam từ xưa tới nay, cưới xin là việc hệ trọng của cả đời người. Vì thế, gia đình nào dù giàu hay nghèo cũng cố tổ chức cho con em mình một lễ cưới thật linh đình. Mỗi đám cưới có khi kéo dài tới 2 – 3 ngày, với vài trăm mâm cỗ, thậm chí có đám cưới khách khứa lên tới cả nghìn người. Vì thế, sau đám cưới, nhiều gia đình lại gánh thêm một khoản nợ lớn. Mâu thuẫn gia đình cũng từ đó mà nảy sinh.
Thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ứng Hòa đã đứng ra tổ chức đám cưới tập thể cho nhiều cặp đôi. Tuy mới triển khai được 2 năm nhưng phong trào đã có sức ảnh hưởng lớn và nhận được sự đồng thuận của người dân. Đến nay, đã có 14 cặp đôi là con em trên địa bàn huyện được tổ chức đám cưới tập thể.
|
Lãnh đạo địa phương trao giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đôi. |
Đơn giản, song vẫn đảm bảo trang trọng, các cặp đôi được tham gia đầy đủ các nghi lễ chính của một đám cưới như trao nhẫn, cắt bánh, mời trầu, nghe đại diện hai họ phát biểu ý kiến và nhận giấy chứng nhận kết hôn từ chính quyền địa phương. Không khí đám cưới cũng rất đầm ấm, vui vẻ với các tiết mục văn nghệ quần chúng. Bên cạnh đó, các cặp đôi không phải mất bất kỳ một khoản chi phí nào. Mỗi cặp đôi còn được tặng 1 cặp nhẫn cưới và nhận được quà, sự chúc phúc của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Việc tổ chức đám cưới tập thể vừa giảm chi phí cho cả hai bên gia đình, lại có ý nghĩa rất lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc tổ chức cưới xin đến người dân.
Là một cặp đôi vừa trải qua một kỷ niệm đẹp ở đám cưới tập thể, chú rể Đào Hồng Phong và cô dâu Trần Thị Dịu, thôn Quảng Tái, xã Trung Tú tâm sự: Đám cưới là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Xét cho cùng, việc tổ chức đám cưới to hay nhỏ không quyết định tới hạnh phúc sau này mà quan trọng là cuộc sống hôn nhân sau cưới. “Đám cưới giản dị, nhưng vợ chồng sống với nhau êm ấm, hòa thuận vẫn tốt hơn một đám cưới rình rang, rồi sau cưới phải còng lưng đi làm trả nợ” – chú rể Hồng Phong bộc bạch.
Tạo hiệu ứng tốtÔng Đào Tiến Dũng, xã Trung Tú có con vừa tham gia đám cưới tập thể bộc bạch: Trước đây cưới xin cho con cái là bố mẹ lại chạy ngược xuôi lo mời khách khứa, cỗ bàn, lễ lạt… Ban đầu khi được vận động tổ chức đám cưới theo nếp sống mới, gia đình cũng có nhiều đắn đo. Bởi dân làng, họ hàng ai cũng làm linh đình, đến lượt mình lại tổ chức tập thể như vậy sợ sẽ không bằng người ta (!) Tuy nhiên, khi được Hội Phụ nữ xã vận động, phân tích, gia đình đã hiểu ra giá trị và ý nghĩa của việc tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. “Sau khi tham dự lễ cưới tập thể của con tôi, nhiều gia đình trong họ, hàng xóm đã thay đổi quan điểm và rất ủng hộ, mong muốn được tổ chức theo nếp sống mới này” – ông Dũng chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ứng Hòa, Ngô Thị Duệ cho biết: Do phong trào mới được triển khai ở địa phương, nên ban đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn. Có những gia đình phải vận động năm lần bảy lượt. Tuy nhiên, đến khi nhận ra được giá trị, ý nghĩa của đám cưới tập thể thì họ lại nhiệt tình ủng hộ. Để nhân rộng mô hình, định kỳ hàng năm Hội Phụ nữ huyện sẽ đứng ra tổ chức một đám cưới tập thể cho con em trên địa bàn huyện. Với ý nghĩa tốt đẹp, phong trào đã tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng dân cư, thay đổi dần quan điểm của người dân và tiến tới thay đổi cách làm trong tương lai. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Chỉ thị 11 của Thành ủy.