Nêu gương là cách làm tốt nhất

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày, 5/9, Lễ Khai giảng năm học 2019 - 2020 được tổ chức trên cả nước trong không khí vui tươi, thực sự là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Trong thư chúc mừng các thầy cô giáo, học sinh cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới.
Dự lễ khai giảng năm học mới cùng thầy trò Trường THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Năm học mới, bên cạnh tiếp tục dạy, học hiệu quả các môn văn hóa, mà người ta gọi là dạy chữ thì các thầy cô của trường cần quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh tức là dạy người, để các em học sinh phát triển toàn diện, phát huy năng lực sáng tạo”.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cũng với tinh thần trên, vào thời điểm chuẩn bị năm học mới 2019 - 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì phiên họp tập trung thảo luận về công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông của Ủy ban đổi mới GDĐT giai đoạn 2016 - 2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Cũng tại phiên họp này, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình trạng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các nhà trường hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định một trong những nhiệm vụ được ngành ưu tiên hàng đầu trong năm học 2019 - 2020 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.
Như vậy, đổi mới về nội dung và phương pháp, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Và không chỉ với ngành GD&ĐT, đây cũng là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Nói cách khác, đó không chỉ là công việc của riêng ngành giáo dục, mà là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Trao đổi về những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, nhiều chuyên gia, nhà giáo…cho rằng nêu gương là một cách làm tốt nhất, mà cụ thể sự nêu gương của thầy cô giáo, bố mẹ ông bà, rộng hơn là của người lớn trong cộng đồng, xã hội.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh bắt đầu từ những người làm thầy. “Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức, lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt, từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày” - bà Nhiếp khẳng định.
Quan điểm này cũng được GS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ủng hộ. Theo ông Đức, “trò học thì thầy cũng phải học, trò đọc thì thầy cũng phải đọc, thầy không thể làm gương được nếu thầy không gương mẫu học, không gương mẫu đọc. Thầy trò cùng học, cùng đọc, cùng xây dựng văn hóa”.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới thì cho rằng, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa một cách thực chất, không hình thức sẽ có tác động tích cực tới việc giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ. Theo ông, nếu người lớn gương mẫu hơn, thì chắc chắn trẻ cũng sẽ chăm ngoan hơn.
Về sự gương mẫu của người lớn với trẻ em, trong tam giác Gia đình - Nhà trường - Xã hội, có thể nói sự làm gương của bố mẹ, ông bà trong gia đình là vô cùng quan trọng. Bởi chúng ta đều biết gia đình là môi trường đầu tiên tác động đến việc hình thành tính cách, thói quen của đứa trẻ. Mà như chúng ta thường nói, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận.
Khai giảng năm học mới 2019-2020 cũng là lúc chúng ta đang kỷ niệm 50 năm học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng phương pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức. Người dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Nhắc lại lời dạy của Bác cũng là một lần nữa khẳng định: Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước, mỗi bậc phụ huynh, mỗi người thầy, mỗi thành viên cộng đồng hãy làm tốt việc nêu gương.
Nêu gương trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ những việc nhỏ nhất cũng là góp phần thực hiện giáo dục con em chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Bác kính yêu.