Nếu không quản lý chặt, đấu thầu sẽ thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lĩnh vực đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng, trục lợi. Đó là nhận định được đại biểu Quốc hội chỉ ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ngày 8/11.

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.. Ảnh: Quochoi.vn

Thiết lập liên minh quân xanh, quân đỏ - mảng tối trong đấu thầu

Đề cập đến lĩnh vực đấu thầu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho biết, qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, có 5 chiêu trò phổ biến để lách luật.

Thứ nhất là chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu, vì Luật đấu thầu quy định được chỉ định thầu với các hạn mức dưới 100 triệu, dưới 500 triệu, dưới 1 tỉ đồng. Theo đại biểu, để lách các quy định này, việc chia nhỏ các gói thầu diễn ra rất phức tạp trên thực tế và được thể hiện qua nhiều kết luận thanh tra, điều tra các vụ án, vụ việc. Lợi dụng quy định chia tách gói thầu, có những trường hợp chia nhỏ gói thầu còn là chia phần để mỗi nhà thầu thân hữu trúng một phần, hoặc gom nhiều gói thầu nhỏ khác nhau lại thành một gói thầu hết sức phức tạp mà chỉ có 1 doanh nghiệp cụ thể đáp ứng được...

Thứ hai là cài cắm các điều khoản mớm thầu để cài thầu quen, chèn thầu lạ. Theo đại biểu, quy định về hồ sơ mời thầu là để chọn các nhà thầu tốt nhất, đáp ứng yêu cầu, nhưng nếu có ý đồ thì đây chính là những chốt chặn nhà thầu không mong muốn. Thực tế thời gian qua, không ít chủ đầu tư đã cố ý cài cắm các điều khoản mớm thầu để hướng tới các nhà thầu thân hữu, loại bỏ các nhà thầu khác, biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Thứ ba là thiết lập liên minh quân xanh, quân đỏ để thông thầu - mảng tối trong đấu thầu thời gian qua. Có nhà thầu chuyên đi dự thầu để trượt nhằm lót đường cho nhà thầu định sẵn trúng thầu. Với sự tiếp tay của bên mời thầu, chủ đầu tư đã biến cuộc đấu thầu thành một "vở kịch" với sự tham gia của các quân xanh, quân đỏ, để rồi quân đỏ đường đường chính chính trúng thầu.

Đại biểu chỉ ra hệ lụy là khiến dư luận nghi ngại, mất sự cạnh tranh sòng phẳng. Nghiêm trọng hơn làm mất tiền của Nhà nước, để lại các công trình, dự án kém chất lượng.

Thứ tư là móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu. Đại biểu dẫn ví dụ vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá của một stent nhập khẩu Ấn Độ về chỉ là 8-11 triệu đồng nhưng giá thẩm định, trúng thầu đã vọt lên 36-42 triệu đồng, tức là tăng đến 28-31 triệu đồng. Đến nay lãnh đạo đơn vị thẩm định giá đã bị khởi tố.

Thứ năm là các nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu. Theo đại biểu, tình trạng vi phạm hoặc lách các quy định pháp luật đều có thể tiềm ẩn, là "mảnh đất màu mỡ" cho tham nhũng, trục lợi.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị: Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời, công khai sẽ được xem là giải pháp của mọi giải pháp và nó sẽ rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng “đi đêm” ở trong đấu thầu vừa qua.

“Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), do đó, tôi kiến nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện bảo đảm thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện dự thầu; danh sách và năng lực nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu, kết quả trúng thầu và kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu”, đại biểu Đoàn Bắc Kạn nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn tỉnh Thanh Hóa) đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp. Đại biểu cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn tỉnh Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn tỉnh Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

“Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật trong thời gian tới sẽ giảm về đất đai” - đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.

Tội phạm sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc

Quan tâm đến vấn đề phòng chống tội phạm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực giảm là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, có loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình, băng nhóm xã hội đen có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là mua bán người, cho vay nặng lãi, sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc trong Nhân dân. 

Ngoài ra còn có một số tội phạm tuy giảm nhưng hoạt động rất tinh vi hơn trước, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội như ma túy, cướp tài sản, cá độ trên không gian mạng, hiếp dâm, xâm hại trẻ em. Tai nạn giao thông có giảm về số vụ nhưng số người chết, bị thương tăng rất cao, cá biệt xảy ra các vụ cháy, nổ, số người chết tăng đáng kể. Tội phạm buôn lậu xuất nhập khẩu xăng dầu diễn biến rất phức tạp ở các tuyến biên giới….

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến. Ảnh:Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến. Ảnh:Quochoi.vn

Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ;  xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ. 

Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp Nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trong việc tham gia phòng chống tội phạm, ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) lo ngại về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19, phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần… 

Thời gian qua, trên thế giới Việt Nam xuất hiện hai dạng ma túy núp bóng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, điện tử, thảo mộc. Đại biểu nêu một số ví dụ về các vụ ngộ độc do sử dụng các loại ma túy như tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tại TP Hồ Chí Minh; bên cạnh đó, nhiều loại ma túy núp bóng khác như nước biển, nước xoài, nước nho, trà chanh, hoặc một số dạng khác là ma túy núp bóng thảo mộc…

Đại biểu nhận định, ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thuận tiện trong giao dịch mua bán. Đại biểu cho rằng cần được thể hiện trong báo cáo, cần có đánh giá cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp, có giải pháp quyết liệt, triệt để, đảm bảo phù hợp với tình hình tội phạm ma túy hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần