Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga đề xuất Ukraine gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt thêm 1 năm

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom muốn gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine hiện tại thêm 1 năm.

Ngày 18/11, công ty Gazprom cho biết tập đoàn dầu mỏ muốn gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt từ Nga sang Liên minh châu Âu qua Ukraine, sẽ hết hạn vào năm tới hoặc ký một thỏa thuận mới kéo dài trong 1 năm.
Công ty dầu khí quốc gia Nga nói rằng sau khi xem xét dự báo về nhu cầu khí đốt của người tiêu dùng châu Âu trong năm 2020, Gazprom đã gửi đề xuất chính thức này tới tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraine.
 Nga đề xuất Ukraine gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt trong 1 năm.
Tuy nhiên, Gazprom nhấn mạnh rằng các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng trung chuyển khí đốt phải được giải quyết với Ukraine trước khi gia hạn hoặc ký thỏa thuận. Một trong những điều kiện cần thiết của thỏa thuận là rút lại tất cả các khiếu nại được đệ trình lên trọng tài quốc tế, cũng như chấm dứt tất cả các thủ tục tố tụng của tòa án.
Gazprom cũng đang chờ phản hồi từ Naftogaz về việc mua khí đốt trực tiếp từ Nga. Năm 2015, Kiev tuyên bố đã tạm dừng mua khí đốt tự nhiên của Nga và nhập khẩu ngược năng lượng từ các nước châu Âu với giá cao hơn.
Naftogaz bắt đầu can thiệp vào quá trình vận chuyển và dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung khí đốt tới châu Âu nghiêm trọng nhất lịch sử vào mùa Đông cuối 2008, đầu 2009. Hợp đồng vận chuyển khí đốt đến châu Âu trung chuyển ngang qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2019.
Hiện tại, Nga, Ủy ban châu Âu (EC) và Ukraine đã tiến hành đàm phán về vấn đề vận chuyển khí đốt giữa các bên sau khi hợp đồng kết thúc. Tuy nhiên, cuộc đối thoại giữa các bên thêm phần phức tạp bởi các vụ kiện tụng giữa Gazprom và Naftogaz.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Moscow sẵn sàng gia hạn hợp đồng hiện nay thêm 1 năm nhưng cũng không loại trừ các khả năng khác. Ukraine ngược lại hy vọng sẽ ký một thỏa thuận dài hạn bởi trong trường hợp chấm dứt việc trung chuyển, ngân sách sẽ mất khoảng 3 tỷ USD/năm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/11 cho biết Nga sẵn sàng hợp tác với Ukraine trong cả quá trình vận chuyển và cung cấp khí đốt. Ukraine có thể mua khí đốt trực tiếp từ Nga với giá thấp hơn 25% so với hiện tại, khi nước này đang nhập khẩu khí đốt của Nga thông qua các nước châu Âu./.