Nga không có ý định sử dụng Dòng chảy Phương Bắc 2 làm công cụ địa chính trị

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko khẳng định Moscow không bao giờ có ý định sử dụng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 vào các mục đích địa chính trị.

"Đối với chúng tôi, Dòng chảy Phương Bắc 2 hoàn toàn là một dự án kinh tế. Chúng tôi sẽ không sử dụng nó, như người Ukraine nói, trong bất kỳ tính toán địa chính trị nào. Chúng tôi không cần điều đó", Thứ trưởng Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn hãng tin Tass hôm 22/9.
 Việc xây dựng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn tất vào ngày 10/9 vừa qua. Ảnh: Tass
Theo Thứ trưởng Rudenko, trong suốt nhiều thập kỷ, sự hợp tác giữa Nga với châu Âu trong lĩnh vực khí đốt đã cho thấy Moscow chưa bao giờ sử dụng khí đốt như một công cụ để tác động đến các tiến trình chính trị
Ông Rudenko lưu ý thêm rằng Nga sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua khí đốt của châu Âu sau khi hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine hết hạn vào năm 2024. “Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng nếu các đối tác châu Âu yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng sử dụng hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine để cung cấp khí đốt.Hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2024. Sau năm 2024, việc xem xét ký kết hợp đồng mới sẽ phụ thuộc vào khối lượng khí đốt mà các nước châu Âu yêu cầu”.
Gazprom trước đó thông báo việc xây dựng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn tất vào ngày 10/9. Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết, sau khi nhận được quyết định về việc cấp giấy chứng nhận cho tuyến đường ống khí đốt này từ cơ quan quản lý của Đức, EC sẽ xem xét cấp giấy phép hoạt động cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 trong vòng 2 tháng.
Theo Nord Stream 2 AG – nhà điều hành tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, dự án này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu dài hạn về khí đốt tự nhiên của thị trường năng lượng châu Âu một cách tin cậy và an toàn.
Tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 chạy từ Nga sang Đức dưới đáy biển Baltic với công suất 55 tỷ m3 khí mỗi năm. Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD, cùng với tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện nay đi qua Biển Baltic, sẽ cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine, vốn là tiêu điểm căng thẳng trong quan hệ giữa Moscow và Washington. Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia dự án này nhưng vẫn không ngăn cản được dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và Đức./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần