Nga lên tiếng trước kế hoạch lập liên minh tự nguyện vì Ukraine của châu Âu
Kinhtedothi - Quan chức ngoại giao cấp cao của Nga tuyên bố, liên minh tự nguyện vì Ukraine không thể gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình vì được huy động từ các quốc gia không trung lập và đã công khai đứng về phía Ukraine”.
Trước nguy cơ không được tham dự tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine, một số quốc gia châu Âu đang đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine. Tuy nhiên, Nga cảnh báo đây là hành động nguy hiểm, có thể biến các quốc gia liên quan thành bên tham chiến tại Ukraine.
Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna, ông Mikhail Ulyanov hôm 12/4 cho biết, việc một số quốc gia châu Âu đề xuất cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine là “nỗ lực tuyệt vọng” nhằm duy trì vai trò trong tiến trình hòa bình vốn đang bị chi phối bởi Nga và Mỹ.
Phát biểu trên đài truyền hình Rossiya-24, ông Ulyanov nhận định: “Dường như một số nước châu Âu nỗ lực làm điều này chỉ để chứng tỏ rằng họ vẫn có vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine. Họ buộc phải tìm cách tạo dấu ấn khi bị Mỹ và Nga gạt khỏi các cuộc thảo luận về vấn đề Ukraine”.

Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna, ông Mikhail Ulyanov. Ảnh: Tasnimnews.com
Theo nhà ngoại giao Nga, các đơn vị quân đội do liên minh tự nguyện vì Ukraine huy động không thể đóng vai trò như lực lượng gìn giữ hòa bình vì đều đến từ những quốc gia “không trung lập” và “đã công khai đứng về phía Kiev.
“Bất kỳ quốc gia nào triển khai binh lính đến Ukraine mà không có sự đồng thuận của Nga, và không được ghi nhận trong một thỏa thuận hòa bình chính thức, là một rủi ro cực lớn. Điều này có thể khiến họ trở thành một bên trực tiếp tham chiến” - ông Ulyanov cảnh báo.
Kế hoạch triển khai lực lượng “gìn giữ hòa bình” tại Ukraine được đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh do Pháp tổ chức tại thủ đô Paris vào ngày 27/3, với sự tham dự của đại diện khoảng 30 quốc gia. Đây là một phần trong sáng kiến xây dựng các bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine sau khi cuộc xung đột kết thúc. Tuy nhiên, Mỹ không tham dự hội nghị này.
Theo một số nguồn tin phương Tây, một số nước châu Âu chỉ sẵn sàng tham gia sứ mệnh quân sự tại Ukraine nếu nhận được sự hậu thuẫn rõ ràng từ phía Washington.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh, bà Kaja Kallas, hôm 11/4 xác nhận, liên minh tự nguyện vì Ukraine do Pháp và Anh dẫn đầu đã không đưa ra được kế hoạch rõ ràng về việc duy trì trật tự sau khi chấm dứt chiến sự tại Ukraine.
Khi được phóng viên hỏi rằng liệu cuộc họp một ngày trước đó tại Brussels (Bỉ) có giúp làm rõ các chiến lược hậu chiến hay không, bà Kallas thẳng thắn trả lời: "Không". "Các quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau và các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn," bà nói thêm.

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh, bà Kaja Kallas. Ảnh: Gazeta.uz
Trước đó, hôm 10/4, cuộc họp do Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu chủ trì tại trụ sở NATO ở Brussels đã quy tụ quan chức quốc phòng từ 30 quốc gia trong liên minh tự nguyện vì Ukraine, nhưng tiến độ thảo luận bị trì trệ.
Kế hoạch triển khai binh sĩ tới Ukraine do Anh và Pháp đề xuất đang bị đình trệ vì Mỹ chưa đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào cho sáng kiến này.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố không tham gia lực lượng "bảo đảm an ninh" này, song Anh và Pháp đang nỗ lực thuyết phục Washington ít nhất đóng góp năng lực không quân, tình báo hoặc giám sát biên giới nhằm hỗ trợ cho nỗ lực của liên minh.
Tại cuộc họp, Hà Lan, Thụy Điển và Phần Lan đã nhấn mạnh vai trò “then chốt” của Mỹ trong liên minh tự nguyện vì Ukraine.
“Mỹ vẫn là một nhân tố then chốt trong việc bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine,” Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen phát biểu. Người đồng cấp Thụy Điển, ông Pål Jonson, cho rằng để thành công ở Ukraine cần “một hình thức tham gia nào đó của Mỹ”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans khẳng định, sự ủng hộ của Mỹ là “rất quan trọng”, song nói thêm rằng hình thức hỗ trợ có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh mà châu Âu lựa chọn tại Ukraine.
Một trong những khúc mắc lớn nhất là việc các nước châu Âu chưa thống nhất được liệu có nên triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine, cũng như vai trò cụ thể của lực lượng này: sẽ chỉ giám sát lệnh ngừng bắn, thỏa thuận hòa bình, hoặc thậm chí tham gia tác chiến trên thực địa?
Về phần mình, Moscow đã nhiều lần đưa ra lập trường cứng rắn. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 12/3 tuyên bố, mọi sự hiện diện của binh lính NATO - dù mang danh nghĩa gì - trên lãnh thổ Ukraine sẽ bị Moscow xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Nga.
“Việc quân đội NATO có mặt tại Ukraine, dưới bất kỳ hình thức nào, đều không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý với đề xuất này” - ông Lavrov khẳng định.

Quan chức Nga lo ngại cách châu Âu giải quyết xung đột tại Ukraine
Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ lo ngại trước việc một số quốc gia châu Âu nghiêng về giải pháp quân sự trong xung đột Ukraine, cho rằng cách tiếp cận này thiếu hợp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nga khẳng định lập trường đối với lệnh ngừng bắn
Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ tiếp tục thực hiện lệnh tạm hoãn tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, dù phía Kiev bị cáo buộc đã nhiều lần vi phạm các điều khoản thỏa thuận.

Quan chức Nga đánh giá quan điểm của Mỹ và châu Âu về xung đột Ukraine
Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng lập trường của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong xung đột Ukraine hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.