Nga, Pháp lo ngại khủng hoảng hạt nhân ở Nhật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trung Quốc hôm nay cho biết "hết sức lo ngại" về an toàn cho công dân ở Nhật và công bố kế hoạch di tản dân, trong khi Nga nói đã sẵn sàng sơ tán dân và quân nhân ở các hòn đảo gần với Nhật.

KTĐT - Trung Quốc hôm nay cho biết "hết sức lo ngại" về an toàn cho công dân ở Nhật và công bố kế hoạch di tản dân, trong khi Nga nói đã sẵn sàng sơ tán dân và quân nhân ở các hòn đảo gần với Nhật.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật hôm nay nghiêm trọng thêm sau khi có hai vụ nổ và một vụ cháy ở các lò phản ứng thuộc nhà máy Fukushima I ở miền đông bắc, bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất và sóng thần.

"Lãnh đạo đảng và nhà nước rất quan ngại đến an toàn của công dân Trung Quốc tại Nhật Bản", AFP dẫn lời phát ngôn viên ngoại giao Khương Du nói.

Phát biểu của bà Khương đưa ra sau khi sứ quán Trung Quốc ở Nhật bắt đầu chiến dịch giúp công dân Trung Quốc ra khỏi vùng nguy hiểm và trở về nước, trong bối cảnh lo ngại lên cao do tình trạng rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân nói trên.

Sứ quán Trung Quốc ở Tokyo ra thông báo khẩn, cho biết sẽ đưa 4 xe buýt tới các tỉnh ở Nhật, trong đó có Miyagi và Fukushima - nơi nhà máy điện hạt nhân bị hư hại tọa lạc.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Niigata ở phía bờ biển phía tây Nhật cho hay đã điều 20 xe buýt đi đón 900 người, sau khi động đất và sóng thần tàn phá bờ biển đông bắc Nhật. Có khoảng 33.000 người Trung Quốc ở trong 5 tỉnh bị tàn phá nhiều nhất. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa nhận được thông tin nào về thương vong của công dân nước này.

Theo báo chí Trung Quốc, vé máy bay từ Nhật về đang rất khan hiếm và một số công dân Trung Quốc phải trả đến 2.400 USD để có vé về.

Tại Trung Quốc, bà Khương cho biết chưa phát hiện địa điểm nào có mức độ phóng xạ bất thường. Các cơ sở hạt nhân của nước này vẫn hoạt động bình thường.

Cũng hôm nay, Nga tuyên bố sẵn sàng sơ tán thường dân và quân nhân ở đảo Sakhalin và quần đảo Kuril.

Sakhalin là một đảo lớn của Nga với dân số nửa triệu, là điểm trung chuyển quan trọng của ngành dầu và khí. Các đảo trong quần đảo Kuril nằm ngay phía bắc đảo Hokkaido của Nhật.

Giới chức Nga cho biết nếu chiến dịch di tản được tiến hành, họ sẽ sử dụng các tàu của hạm đội Thái bình dương và máy bay quân sự. Người di tản sau đó sẽ được trú tại các cơ sở của quân đội ở Vladivostok và Khabarovsk.

Nga chưa đưa ra cảnh báo về an toàn hạt nhân với dân chúng khu vực, cho dù về mặt địa lý vùng Viễn Đông Nga rất gần với Nhật Bản. Giới chức Nga cho hay các con số cho thấy tình hình chưa đến mức có nguy cơ mất an toàn rõ rệt. Nga đã tăng cường cung cấp điện cho Nhật kể từ khi động đất xảy ra.

Hai ngày trước, một tàu sân bay của Mỹ làm nhiệm vụ cứu trợ nạn nhân thiên tai Nhật Bản đã chuyển hướng do lo ngại tình trạng phát xạ từ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại ở tỉnh Fikushima ở đông bắc Nhật Bản.

Trong một diễn biến liên quan, tại hội nghị G8 đang diễn ra ở Paris, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nhận xét rằng mối đe dọa từ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại của Nhật là "hết sức nghiêm trọng".

"Tình hình là hết sức nghiêm trọng... Nguy cơ rất cao", ông Juppe phát biểu, sau khi được thông báo tình hình bởi Ngoại trưởng Nhật Bản.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi các nền kinh tế G20 cần sẵn sàng trợ giúp nếu Nhật cần đến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần