Nga phóng tàu để lấy mẫu đất từ vệ tinh sao Hỏa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết nhiệm vụ khoa học của dự án kéo dài ba năm này nhằm nghiên cứu toàn bộ những vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất hiện Hệ Mặt Trời và Vũ trụ nói chung, tuy nhiên mục đích chính là mang các mẫu đất từ vệ tinh của "hành tinh Đỏ" (Phobos) về Trái Đất.

Ngày 9/11, Nga đã phóng Trạm liên hành tinh tự động Phobos-Grunt vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy Zenit với mục đích chính là lấy mẫu đất từ vệ tinh Phobos của sao Hỏa.

Vụ phóng được thực hiện vào lúc 3 giờ 16 phút (theo giờ Hà Nội) từ Trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhtan và hiện Phobos-Grunt đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy Zenit.

 
Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết nhiệm vụ khoa học của dự án kéo dài ba năm này nhằm nghiên cứu toàn bộ những vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất hiện Hệ Mặt Trời và Vũ trụ nói chung, tuy nhiên mục đích chính là mang các mẫu đất từ vệ tinh của "hành tinh Đỏ" (Phobos) về Trái Đất.

Theo Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ của Nga, ông Lev Zelenyi, việc mang các mẫu đất từ vệ tinh "hành tinh Đỏ" về Trái Đất cho phép xác định được hành tinh nhỏ này thuộc lớp vật chất nào, thuộc các tiểu hành tinh hay trước đây nó từng là một bộ phận của sao Hỏa.

Đây là một dự án phức tạp nhất trong số những dự án đã được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, với chi phí khoảng 5 tỷ rúp (gần 170 triệu USD).

Dự kiến tàu sẽ đổ bộ xuống Phobos vào năm 2011.

Sao Hỏa có hai vệ tinh Phobos và Deimos. Phobos có kích thước lớn hơn và gần "hành tinh Đỏ" hơn so với Deimos.

Nguồn gốc của Phobos và Deimos là một trong những câu hỏi mà giới thiên văn chưa tìm ra đáp án. Nếu biết chúng được tạo ra từ đâu, loài người sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành của Hệ Mặt Trời.