Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 18/7, Phó Thủ tướng Novak nói rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí tăng dần sản lượng lên mức như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó, Nga sẽ khôi phục hoàn toàn việc sản xuất dầu mỏ vào tháng 5/2022.
Ông Novak lưu ý: “Các nước OPEC+ đồng ý thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng để ổn định thị trường, hôm nay đã đồng ý gia hạn thỏa thuận này đến cuối năm 2022, nhưng 5 quốc gia - Nga, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq - sẽ được điều chỉnh tăng hạn ngạch cơ sở từ tháng 5/2022”.
Phó Thủ tướng Novak khẳng định rằng Nga nhất trí về việc tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày đối với các nước thành viên OPEC+ từ tháng 8 tới.
Theo Phó Thủ tướng Novak, thỏa thuận nới lỏng nguồn cung của OPEC+ sẽ tạo điều kiện để Nga tăng sản lượng vào nửa cuối năm 2022.
Theo ông Novak, quyết định mới của OPEC + sẽ giúp Nga có thể tăng sản lượng khai thác dầu trong giai đoạn 2021 - 2022 thêm 21 triệu tấn. "Quyết định của OPEC+ sẽ giúp chúng tôi có thể tăng sản lượng thêm 100.000 thùng bắt đầu từ tháng 8 tới. Đây là một khối lượng khá lớn sẽ mang lại cho chúng tôi sản lượng bổ sung khoảng 21 triệu tấn trong năm nay và năm sau", ông Novak cho hay.
Ông Novak cho biết thêm, Nga sẽ tăng sản lượng dầu trong nửa cuối năm 2022 do được tăng hạn ngạch cơ sở lên 11,5 triệu thùng/ngày từ mức 11 triệu thùng/ngày hiện nay.
Phó Thủ tướng Nga cũng lưu ý rằng thỏa thuận tăng sản lượng có thể được OPEC+ điều chỉnh tại cuộc họp của liên minh vào ngày 1/9 tới nếu thị trường biến động.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến hôm 18/7, OPEC+ đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu thô từ tháng 8 tới nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu khi đại dịch lắng dịu.
Trong tuyên bố, OPEC+ cho biết 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8-12 tới sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức là mỗi tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.
Liên minh OPEC+ sẽ "đánh giá các diễn biến thị trường" vào tháng 12 tới. Nhóm này cũng nhất trí kéo dài thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022, thay vì đến tháng 4/2022 như kế hoạch trước đó.
Trước đó, hồi tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, OPEC+ đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày và sẽ khôi phục dần nguồn cung cho đến tháng 4/2022. Quyết định này đã phát huy hiệu quả tích cực khi giúp giá dầu tăng 50% kể từ đầu năm nay.
Tại cuộc họp của OPEC+ đầu tháng này, các nước thành viên đã không nhất trí được về các kế hoạch từng bước nới lỏng biện pháp cắt giảm sản lượng. Bế tắc xuất phát từ bất đồng giữa Ả Rập Saudi và UAE. Hai nước này đều ủng hộ tăng sản lượng ngay lập tức, song UAE phản đối ý tưởng của Ả Rập Saudi gia hạn thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 nếu UAE không có được hạn ngạch sản lượng cao hơn.