Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 11/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã xác nhận, Nga và Mỹ vẫn đang làm việc để có thể tổ chức một cuộc họp giữa hai bên để thảo luận về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Người phát ngôn Zakharova cũng nhắc lại tuyên bố của Thứ trưởng Bộ này Sergei Ryabkov đưa ra 2 ngày trước, rằng Moscow mong muốn nối lại cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí với Mỹ trong tương lai gần, thông qua mọi kênh liên lạc có thể, gồm ngoại giao, quân sự và Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nếu Mỹ sẵn sàng.
Trước đó, hôm 9/1 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov nói rằng, Moscow sẵn sàng tổ chức các cuộc tham vấn với Mỹ về INF ở cấp độ quân sự và ngoại giao. “Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình xung quanh Hiệp ước INF. Có nhiều khả năng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF trong tương lai gần", Thứ trưởng Ryabkov cho biết.
"Giống như trước đó, chúng tôi đã sẵn sàng đối thoại nếu Mỹ sẵn sàng cho việc này. Chúng tôi sẵn sàng tham vấn ở cấp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng Bảo an", Thứ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý thêm.
Hiệp ước INF do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết vào năm 1987. Hiệp ước cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Mỹ lần đầu tiên cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF vào tháng 7/ 2014. Sau đó, Washington đã nhiều lần lặp lại cáo buộc của mình đối với Moscow.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước khi chế tạo tên lửa và đề cập đến khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Phát biểu tại Brussels hôm 4/12/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo cho Nga thời hạn 60 ngày để quay trở lại tuân thủ INF, nếu không Washington sẽ khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước này.
Tuy nhiên, Moscow khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm. Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.