Ngạc nhiên với sự bề thế của chùa Dồi, Hà Nội

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) không chỉ nổi tiếng nhờ giữ được hàng chục ngôi nhà kiến trúc Pháp cổ mà còn bởi ngôi chùa Phúc Duệ Tự (chùa Dồi, chùa Rồi) linh thiêng, bề thế và cổ kính khiến không ít người ngạc nhiên.

 Theo nhân dân địa phương, các lương dân nơi đây có điều gì khó khăn đến chùa cầu thường rất linh ứng, do đó chùa mới có tên là 'Phúc Duệ' hay 'Phúc Nhuệ' ý nói Phật luôn ban phước lành cho dân như nước dòng Nhuệ Giang… 
 Chùa Dồi tọa lạc trên gò đất cao quanh năm rợp bóng cây, mặt tiền có dòng sông Nhuệ chảy qua. Hai bên tả, hữu và phía sau là các hồ sen vào hạ như đang ôm ấp dâng kính lên đức Phật từ bi hỷ xả. Xa xa là những xóm của thôn Cựu. 
 Tất cả tạo nên một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo nhà ở, nhà thờ họ, đường thôn lát gạch chỉ cổ có giá trị hàng trăm năm. Bao quanh có nhiều gò đống đất nổi lô nhô như đàn cá chép lượn lờ vây quanh. Theo thuật phong thủy, thôn Cựu có thế đất 'Quần ngư vọng nguyệt'. 
 Tương truyền, xưa có 5 vị thần giúp vua Hùng Vương đi đánh giặc trở về, khi bay qua cánh đồng thôn Cựu, các ngài thấy thế đất cùng cảnh trí ở đây đẹp quá, liền dừng lại và hạ xuống, các ngài hóa tại đây. 
 Khi các thôn, ấp quanh vùng họp nhau để bàn việc quyên góp kinh phí xây dựng chùa, thì đã thấy mọc lên một ngôi chùa khá khang trang rồi… Vì thế, người làng Cựu gọi Phúc Duệ Tự là chùa đã Rồi hoặc chùa Dồi.
 Theo Sư trụ trì chùa Dồi Thích Đàm Trâm: Cổng chùa được xây theo dạng Tam quan như đình gồm: Cổng chính, tả môn và hữu môn. 
 Cổng chùa to cao được xây 2 tầng, 8 mái lợp ngói ống. Hai cột trụ cao có hình rồng uốn lượn. 
 Chùa được xây dựng xây theo kiến trúc hình chữ Đinh. Trước tiền đường sau hậu cung. Chùa là một quần thể gồm: Nhà tiền đường, thượng điện, nhà mẫu, nhà vong, nhà tổ đường, phía sau là nhà tổ ni và một dãy nhà khác. 
 Tiền đường là khu nhà có quy mô lớn nhất gồm 5 gian xây tường bao quanh, bờ nóc và bờ hồi đắp thẳng. Lên 3 bậc thềm đá là vào bên trong tiền đường với 3 bộ cửa bức bàn đồ sộ. Ngôi chùa có kiến trúc gỗ độc đáo được trang trí hoa văn tinh tế hình hoa sen, hoa cúc, nậm rượu… 
 Phía hiên tiền đường còn treo một chiếc chuông bị bom mỹ bắn trúng, thủng 1 lỗ. 
 Tiếp sau tiền đường là thượng điện. Đây là công trình đẹp nhất và cổ kính nhất của chùa. Nền thượng điện cao khoảng 80cm so với mặt nền sân, có tượng cổ từ thời thành lập chùa tới giờ. Đó là những pho tượng gỗ với điêu khắc tinh xảo.
 Nhà vong của chùa được xây vào năm 2004  là nơi gửi vong của những người không nơi nương tựa, những người bị chịu những oan ức. Nơi đó có các bệ cao đặt bia tên của những người đã khuất. Hàng ngày cứ 12 giờ, sư thầy lại mang cơm lên và đánh chuông nhỏ và gọi tên người đã khuất để họ được về ăn mày của Phật. 
 Qua khảo tả chùa Phúc Duệ (chùa Dồi) có thể nhận thấy rằng, đây là một công trình kiến trúc văn hóa vật thể còn hiện rõ nét nhất tại làng. 
 Nó vừa thể hiện dược những nét hoa văn cổ kính của một tạo hình văn hóa phi vật thể đồng thời cũng tiềm ẩn những nét tín ngưỡng của người dân làng Cựu.
 Chùa Dồi quả thực là một công trình kiến trúc với nhiều nét cổ kính. Tại đó thể hiện tình yêu quê hương của người làng Cựu đồng thời còn là nơi gìn giữ nét văn hóa tâm linh thiêng liêng và cao đẹp của người dân nơi đây.