Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Ngâm” cả năm vẫn chưa xử lý?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau nhiều lần họp thống nhất, lãnh đạo, nhân dân, chi hội người cao tuổi thôn quyết định chặt hạ nửa cây gỗ sưa gần 300 tuổi ở chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ bán lấy tiền nâng cấp các công trình đình, chùa. 2,506m3 gỗ sưa được đóng dấu búa kiểm lâm và bán với giá 20,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi số gỗ này được vận chuyển ra khỏi địa bàn xã thì bị Công an huyện Chương Mỹ  bắt giữ. Gần một năm qua, vụ việc vẫn chưa được xử lý…

Mập mờ khó hiểu

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Sư Thầy Thích Đàm Hà trụ trì ở Chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính cho biết: Hai cây gỗ sưa đại thụ ở ngay sát cổng chính của chùa có tuổi thọ hàng trăm năm. Khoảng tháng 7/2010, trong khi các cụ đang tế lễ ở sân chùa, một cành sưa bị gãy, rơi xuống nhưng không gây tai nạn. Từ đó, các cụ cao tuổi, lãnh đạo, nhân dân trong thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp và đi đến thống nhất xin UBND xã cho phép cắt một số cành bị mục, bị sâu trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn. Đồng thời, xin chặt hạ hai nhánh sưa bán lấy tiền trả nợ khi xây dựng đình Phụ Chính và có kinh phí tu sửa, xây dựng các công trình khác trong thôn. Mặc dù chưa được xã đồng ý, sáng 13/9/2010, lãnh đạo và Chi hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính vẫn tiến hành việc chặt  hạ một nửa cây sưa, thu được 2,506 m3 gỗ.

Ông Đinh Công Thường, một trong hai đại diện của thôn Phụ Chính ký hợp đồng bán gỗ sưa khẳng định: Trước khi thực hiện việc này, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp và có báo cáo UBND xã Hòa Chính bằng "miệng"!. Theo ông Thường, việc chặt hạ khi chưa được UBND xã đồng ý là sai. Tuy nhiên, ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo thôn, Chi hội người cao tuổi đã làm đơn và được xã xác nhận về nguồn gốc số gỗ sưa bị chặt hạ để Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ lập biên bản, kết luận toàn bộ số gỗ trên có nguồn gốc hợp pháp đủ điều kiện đem đi tiêu thụ.

Ông Thường cho biết thêm, ba ngày sau khi số gỗ sưa bị chặt hạ, phía Công an huyện Chương Mỹ đã cử tổ công tác về làm việc với lãnh đạo xã để nắm tình hình, nhưng sau đó phía công an đã không đưa ra biện pháp xử lý gì. Tuy nhiên, ngày 25/10/2010, khi số gỗ này được chủ mua là là Dương Văn Thái, SN 1975, HKTT phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh và Nguyễn Thành Long, SN 1976, HKTT tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, Hải Dương vận chuyển đến địa phận xã Đồng Phú thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra và thu giữ. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao sau khi kiểm tra, Công an Chương Mỹ không thu ngay số gỗ sưa bị chặt ở chùa Phụ Chính mà phải hơn một tháng sau khi số gỗ này được vận chuyển trên đường rồi mới bắt giữ?.

Lúng túng hướng giải quyết

“Ngâm” cả năm vẫn chưa xử lý? - Ảnh 1

Ông Đinh Công Thường, một trong hai cá nhân đã ký hợp đồng bán gỗ sưa.

Phía Công an huyện Chương Mỹ sau hơn 3 tháng "ngâm án" điều tra đã không củng cố được các chứng cứ phạm tội của những cá nhân, tập thể có liên quan. Đồng thời, xác định vụ việc này quá lớn, không thuộc thẩm quyền của mình nên báo cáo CATP Hà Nội, rồi chuyển hồ sơ cho Công an TP. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ban Giám đốc CATP Hà Nội giao cho phòng PC46 thụ lý. Nhưng, đã  gần một năm trôi qua, từ  việc tập thể chặt hạ cây để bán, cơ quan chuyên môn xác nhận tính hợp pháp cho lô gỗ và cá nhân bỏ ra 20,5 tỉ đồng mua gỗ đã rõ nhưng phía cơ quan cảnh sát điều tra vẫn "dậm chân tại chỗ". Lúng túng trước sự phức tạp của vụ việc, PC46 đã gửi công văn cho UBND huyện Chương Mỹ (ngày 18/4/2011) và Tổng cục Lâm nghiệp (ngày 5/5/2011) yêu cầu xác định nguồn gốc số gỗ sưa bị chặt hạ. Ngay sau đó, Tổng cục Lâm nghiệp  (ngày 25/5/2011) và UBND huyện Chương Mỹ (ngày 13/6/2011) đã có công văn trả lời PC46 với có nội dung trùng khớp nhau: Hai cây gỗ sưa trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính là 2 cây trồng phân tán, nguồn vốn không do Nhà nước đầu tư, do cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính chăm sóc, bảo vệ qua nhiều thế hệ. Việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn Phụ Chính tự quyết định. Đặc biệt, tại văn bản 3419/BNN - KL ban hành ngày 12/12/2007 đã nêu rõ việc hướng dẫn, khai thác vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A có ghi  (trường hợp tổ chức cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư gây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định khai thác).

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Danh Sáu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ cho biết: Ngày 20/9/2010, Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ đã cử tổ công tác xuống chùa Phụ Chính lập biên bản đo khối lượng gỗ và xác định toàn bộ 28 khúc gỗ sưa có nguồn gốc hợp pháp, đủ qui cách đóng dấu búa kiểm lâm để đem đi tiêu thụ là làm đúng theo thẩm quyền. Theo ông Sáu, phía Kiểm lâm đã làm đúng theo văn bản số 3419/ BNN - KL ban hành ngày 12/12/2007 về việc hướng dẫn khai thác, vận chuyển, cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A. Ông Sáu chỉ thừa nhận: Theo qui định, gỗ được đóng dấu búa kiểm lâm phải có đường kính từ trên 25cm, dài 1m trở lên. Tuy nhiên, khi thực hiện việc này đối với số gỗ sưa chùa Phụ Chính, do nể các cụ, anh em đã sai khi đóng dấu búa kiểm lâm cho cả những khúc gỗ sưa có đường kính chưa được 25cm.

 

Vụ chặt hạ cây gỗ sưa đại thụ tại Chùa Phụ Chính là một bài học quí trong công tác bảo vệ, giữ gìn những cây gỗ quí hiếm ở chùa, đình trên địa bàn huyện Chương Mỹ nói riêng và trong toàn quốc nói chung. Chính kẽ hở trong nội dung của các văn bản pháp luật đã bị các cá nhân, tập thể "lách" để gây khó khăn cho quá trình điều tra. Mặt khác, cũng phản ánh sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong quản lí tài nguyên, lâm sản quí của các cơ quan chuyên môn dẫn đến lúng túng trong xử lí vụ việc. Hy vọng vụ việc sớm được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ.