Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngắm vẻ đẹp dung dị của "hoa anh đào" miền Tây

Hồng Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hằng năm, cứ mỗi độ tháng 3 đầy nắng, hoa ô môi còn được gọi với cái tên mỹ miều là “hoa anh đào miền Tây” lại nở rộ tạo nên những khung trời đầy sắc hồng thơ mộng.

Những tán cây ô môi tròn xoè có tác dụng che mát, làm kiểng rất đẹp mắt. Hoa ô môi thường nở thành từng chùm, có sắc hồng rực rỡ, nở rộ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 hàng năm. Những chùm hoa màu hồng tươi tắn in lên nền trời xanh tựa như những bức tranh tuyệt dịu của thiên nhiên. Thường, mùa hoa sẽ kéo dài trong khoảng 1 tháng.

Trong nắng trưa, những vạt hoa màu hồng phất phơ trong gió trở thành một nét đẹp dân dã khó quên ở miền sông nước miền Tây.
Trong nắng trưa, những vạt hoa màu hồng phất phơ trong gió trở thành một nét đẹp dân dã khó quên ở miền sông nước miền Tây.

Dưới cái nắng chói chang của miền Tây trong mùa khô, nhìn chùm hoa ô môi khoe sắc hồng ta có cảm giác nó góp phần làm dịu đi cái nắng chói chang, tạo cho ta cảm giác dễ chịu, khoan khoái, quên đi cái nắng như đổ lửa giữa buổi trưa.

Mùa ô môi ở Miền Tây chỉ kéo dài khoảng 1 tháng, đó là thời điểm mà hoa trổ đồng loạt và rực rỡ nhất.
Mùa ô môi ở Miền Tây chỉ kéo dài khoảng 1 tháng, đó là thời điểm mà hoa trổ đồng loạt và rực rỡ nhất.

Theo nhiều người dân miền Tây, cây ô môi có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ, được trồng làm cây hứng bóng mát, hoa đẹp ở nhiều nước. Ở Việt Nam, ô môi chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía Nam. Cây ô môi có thân gỗ, chiều cao trung bình từ 10-20 m. Phân cành lớn, mọc ngang thẳng, vỏ thân nhẵn.

Sau khi nở hoa gần một năm, trái ô môi mới bắt đầu khô. Trái ô môi dài, thô trông như những chiếc gậy đen lớn cỡ bằng cổ tay trẻ con. Ô môi khô khi ăn có vị ngòn ngọt, cay nồng, hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được. 

Trái ô môi có thể được chế biến thành những món ăn khoái khẩu như: nấu chè, ngâm rượu làm thuốc có tác dụng giúp ăn ngon miệng hơn; lá ô môi có thể nấu nước uống chữa đau lưng, nhức mỏi hay dùng đắp lên vết lở ngứa, hắc lào...

Sau khi hoa tàn sẽ hình thành trái ô môi treo lủng lẳng trên cây. Khi trái chín sẽ chuyển sang màu đen với vỏ cứng.
Sau khi hoa tàn sẽ hình thành trái ô môi treo lủng lẳng trên cây. Khi trái chín sẽ chuyển sang màu đen với vỏ cứng.

Chị Tô Nài Não (ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: Loài hoa ô môi từ lâu đã như là một phần ký ức tuổi thơ không thể thiếu của người miền Tây. Đó là những giấc ngủ trưa dưới bóng cây, hay hình ảnh đi nhặt hoa ô môi, trái ô môi còn trong tâm thức của từng người.

Anh Thạch Hoàng Hùng (người dân ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Nhìn hoa ô môi nở bồi hồi nhớ về tuổi thơ của mình vì có rất nhiều kỷ niệm về hoa ô môi. Tuổi thơ của trẻ em ở miền Tây, ai cũng có ít nhất một lần hái hoa ô môi, trái ô môi chơi trò bán hàng. Bây giờ, cuộc sống thay đổi nhiều, cây ô môi cũng trở nên hiếm hoi nên bây giờ, mỗi lần gặp lại ô môi vẫn thấy ấm ấp, gần gũi."

 

Trong kho tàng vọng cổ của Nam Bộ, có hẳn một bài với tựa đề “Bông ô môi” của cố soạn giả tài hoa - Viễn Châu, với phần mở đầu lý con sáo nghe da diết: 

“Bông ô môi, gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mêng mông, kẻ ly hương nay đã quay về, sao trong dạ não nề. Hồi chuông buồn từ xa vẵng đưa, trong khói sương thêm tái tê hồn ta. Ngồi bên bờ nhìn hoa lá rơi, cơn gió đưa theo nước sông buồn trôi…”.